Nhiều người quan niệm tu phải lánh đời, nhưng thật ra sống trong đời mới giúp ta tiến trên con đường đạo.
Đời ví như tấm gương để ta soi mình. Tấm gương giúp cho ta nhìn thấy mình vui, buồn, hiền lành hay hung dữ. Đời giúp ta hơn cả tấm gương là giúp ta soi cả nội tâm sâu kín của mình.
Nếu không có sự liên hệ, va chạm giữa ta và người thì làm sao ta biết được tâm trạng của chính mình trong mỗi trường hợp xảy ra. Các hành xử của con người chẳng những giúp ta soi rọi được người xung quanh mà lại giúp ta biết mình qua các phản ứng nội tâm và ngoại tại của riêng mình.
Lời Đức Phật dạy sẽ không ngấm sâu vào tâm ta nếu ta cứ sống nhởn nhơ, yên lành, hạnh phúc, không va chạm trong đời thường. Những va chạm bất đắc dĩ, những hoàn cảnh bế tắc thì ta mới thấu rõ ta và rõ người quanh ta, những người mà ta chỉ thấy họ ở một chiều.
Chính những va chạm và bế tắc của đời sống mới giúp cho ta thấy sự cần thiết, giá trị, lợi ích của đạo.
Đạo giúp ta thay vì đau khổ thì trở lại quân bình, thay vì điên cuồng giận dữ thì yên lặng chiêm nghiệm về người, về ta và rút kinh nghiệm sống, lẫn kinh nghiệm trong sự tu tập để tiến hóa.
Đời đạo song tu, giáo pháp Đức Phật đã hướng dẫn cho chúng ta là một con đường sáng giúp cho ta đi đứng vững vàng không vấp ngã, bỏ cuộc, thất bại nửa chừng, mà lại tiếp tục phục vụ đời lẫn đạo cho đến phút cuối của cuộc đời giả tạm.
Bản chất cuộc đời thì giả tạm, nhưng chính cuộc đời giả tạm này mới giúp ta có phương tiện và hoàn cảnh để tu tập, và giác ngộ ra nhiều điều. Cuộc đời tuy giả tạm nhưng khéo biết tu, biết Sống thì cuộc đời đó trở nên hữu lợi vô cùng.
Như Nhiên
Namo Buddhaya
Namo Buddhaya
THÍCH TÁNH TUỆ