Cách đây gần hai chục năm, do làm việc rất căng thẳng, lúc đó bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc là Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe của Sở Y tế TP.HCM nên thường xuyên phải tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế và cũng thường xuyên phải cấp cứu cho bệnh nhân, nên bất ngờ ông bị một cơn tai biến quật ngã phải cấp cứu và bị mổ vài lỗ trên đỉnh đầu.
Nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt lần này không phải với cương vị bác sĩ mà là một bệnh nhân như bao bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo khác, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nhớ lại: Tôi tỉnh dậy thấy mình nằm trên băng ca, cổ họng gắn một cái ống thở và tất nhiên là tôi không nói được, một cô y tá thấy tôi mở mắt thì chạy lại xem hồ sơ của tôi rồi reo lên: “Có phải bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc báo Mực tím không ạ?”, tôi không nói được, chỉ khẽ nháy mắt ra hiệu, cô ấy lại reo lên: “Mấy bạn ơi ra mà xem bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc này”. Thật là tức cười, hoàn cảnh tôi lúc ấy thật không đáng xem chút nào.
Làm trong nghề y nên tôi tự biết, cái bệnh này hay để lại di chứng, không bị cái này thì cũng bị cái kia và không hy vọng đi lại hay nói năng bình thường được.
Ba bốn ngày sau khi đặt chân xuống đất, như một phản xạ, tôi tự bước đi và ngạc nhiên vô cùng. Chỉ vài bước lẫm chẫm như trẻ con tập đi mà sao hạnh phúc quá chừng. Tôi bước vào toillet, ngước nhìn vào gương, thấy đầu mình trọc lóc bình vôi, râu ria tua tủa, tôi thấy mình rất lạ mà cũng thấy đẹp nữa (cười). Thấy hay hay, tôi liền lấy giấy bút ra tự vẽ mình, riêng cái khoản đứng được trong toillet dù chỉ ít phút cũng thấy lạ lắm, thấy hạnh phúc lắm, phải nói đó là phép lạ trong cuộc sống làm tôi nhớ đến câu thơ của Huy Cận: “Hạnh phúc rất đơn sơ…”. Từ trong hoàn cảnh đó tôi mới phát hiện ra cuộc sống thật nhiệm màu, tôi nhìn thấy cái gì cũng lạ, lạ từ bước chân dò dẫm đến ánh mắt, khuôn mặt mọi người, cứ như tôi đang sống trong một kiếp khác. Bạn bè thương tôi, họ là những bác sĩ đồng nghiệp mang tới cho tôi nhiều thứ thuốc, tôi là dân trong nghề nên cũng biết thuốc này cho tôi cái lợi này thì sẽ hại tôi ở cái khác, cho nên tôi bỏ hết chỉ giữ lại một thứ để làm cho huyết áp mình ổn định, không bị tai biến nữa và tôi nghĩ ra một cách khác để chữa cho mình, đó là đi vào thiền định. Bằng phương pháp hít thở rất đơn sơ mà tôi lại thấy rất hiệu quả.
Kể từ ngày đó đến nay cũng ngót nghét gần hai chục năm và tôi cũng viết được mười mấy, hai chục cuốn sách (hồi trước tôi viết ít hơn, giờ thì có thời gian suy ngẫm nhiều hơn). Đối với bản thân, tôi luôn giữ gìn để mình không bị xuống cấp nhanh quá, tóc tai mọc lại, cuộc sống an hòa hơn.
Trong Phật giáo người ta thường hay chúc nhau: “Thân tâm thường an lạc” và mình an lạc, điều đó rất là cần thiết.
Tóm lại, cái quan trọng nhất là thái độ sống của mình, dẫn đến cách sống. Đừng chờ đợi hạnh phúc, nó sẽ chẳng bao giờ đến, mà phải biết nhận ra hạnh phúc ở ngay đây và ngay bây giờ, tôi thực tập theo cách riêng của mình, phù hợp với mình.
Từ góc độ y sinh học, tôi nghiền ngẫm, thể nghiệm và lý giải được phần nào ý nghĩa sâu thẳm của thiền nên tôi rất tin tưởng để áp dụng vào điều trị những vấn đề sức khỏe của tâm và thân.
Sức khỏe của một con người không thể chỉ khu trú vào chuyện có hay không có bệnh, tật. Người thầy thuốc thường chỉ chữa cái “đau” mà không chữa cái “khổ”, chữa cái “bệnh” mà không chữa cái “hoạn”. Do vậy mà dù y học ngày càng phát triển với những thành tựu đáng kinh ngạc nhưng tình trạng tâm thần, tự tử, bạo lực, bất an và các bệnh do hành vi lối sống gây ra như tim mạch, đái tháo đường, béo phì… cứ ngày càng phát triển!
Thiền, theo tôi là một lối thoát. Âu Mỹ hiện nay đang hướng về thứ “thuốc” này của phương Đông.
Lê Tú Lan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét