Người đệ tử Phật đều tin hiểu Tam bảo là ruộng phước tốt lành ở thế gian. Gieo trồng công đức, phước báo với Tam bảo là pháp tu phổ biến, là căn lành cho tất cả những người con Phật. Nên quy kính Tam bảo, phụng hành Tam bảo, nương theo ánh sáng Tam bảo soi đường là pháp tu căn bản cho người sơ cơ mới vào đạo nhưng đồng thời cũng xuyên suốt trong pháp hành của các bậc Thánh giả thú hướng Niết bàn.
Lộ trình căn bản của người tu Phật là từng bước thành tựu phước và trí. Đức Phật là bậc phước trí tròn đầy. Hàng đệ tử Phật thì trọn đời tinh cần vun bồi phước đức và trí tuệ. Trong các thiện pháp mà người đệ tử Phật thực thi trong đời sống hàng ngày thì gieo trồng thiện căn công đức nơi Tam bảo là thù thắng nhất.
“Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo Tôn giả A Nan:
Có ba căn lành chẳng thể cùng tận, tiến dần đến Niết bàn. Thế nào là ba? Nghĩa là trồng công đức ở Như Lai, căn lành này chẳng thể cùng tận. Trồng công đức ở Chánh pháp, căn lành này chẳng thể cùng tận. Trồng công đức ở Thánh chúng, căn lành này chẳng thể cùng tận. Đó là, này A Nan, ba căn lành chẳng thể cùng tận, đến được Niết bàn. Thế nên, này A Nan, hãy cầu phương tiện thâu được phước chẳng thể cùng tận này. Như thế, A Nan, hãy học điều này!
Bấy giờ Tôn giả A Nan nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A Hàm, tập I, phẩm Cúng dường, VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.387)
(Kinh Tăng nhất A Hàm, tập I, phẩm Cúng dường, VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.387)
“Trồng công đức ở Như Lai, căn lành này chẳng thể cùng tận”. Đức Phật là bậc giác ngộ, phước trí nhị nghiêm, bi trí viên mãn. Đức Phật ra đời đã mở ra con đường tỉnh thức cho chúng sinh thiết lập hạnh phúc, an lạc nơi đời này và những đời sau. Nên kính lễ Phật, cúng dường Phật, tán dương ca ngợi Phật, tôn tạo và bảo vệ kim thân Phật luôn hiện hữu ở thế gian, phát nguyện tu tập cho đến ngày thành Phật… là trồng công đức ở Như Lai.
“Trồng công đức ở Chánh pháp, căn lành này chẳng thể cùng tận”. Tuy Đức Phật đã nhập Niết bàn nhưng Pháp bảo vẫn còn (Pháp bảo còn thì đức Phật vẫn hiện hữu ở thế gian). Pháp âm của Phật vẫn đồng vọng cho đến ngày nay, lưu xuất từ ba tạng Kinh-Luật-Luận. Người đệ tử Phật nguyện đi theo Ngài thì phải nương tựa Chánh pháp. Học tập, tìm hiểu, nghiên cứu, trì tụng, ấn tống, giảng giải, xiển dương, ứng dụng thực hành… lời Phật dạy, là trồng công đức ở Chánh pháp.
“Trồng công đức ở Thánh chúng, căn lành này chẳng thể cùng tận”. Thánh chúng đây không có nghĩa là hội chúng toàn các bậc Thánh mà chính là tăng đoàn thanh tịnh và hòa hợp. Dĩ nhiên, một vị tăng thì không phải Thánh chúng, và nơi nào mà chư tăng không thanh tịnh, hòa hợp thì nơi ấy không hiện hữu Thánh chúng. Thực tế tu học hiện nay, những hội chúng xuất gia đạt chuẩn Thánh chúng vốn không nhiều nhưng không phải là không có.
Nói cách khác, những hội chúng nào có tu tập và thành tựu Giới-Định-Tuệ chính là ruộng phước phì nhiêu để chúng ta gieo trồng công đức. Tăng bảo có vai trò rất quan trọng, nhờ Tăng bảo tận lực hoằng hóa mà Tam bảo mới trường tồn ở thế gian. Kính lễ, cúng dường, hộ trì, vâng theo sự hướng dẫn, nguyện nối gót tu học theo chư Tăng, là trồng công đức ở Thánh chúng.
Rõ ràng, gieo trồng công đức nơi Tam bảo là “ba căn lành chẳng thể cùng tận, đến được Niết bàn”. Người đệ tử Phật cần hiểu rõ về phước báo và công đức hộ trì Tam bảo để thực thi nhằm lợi mình và lợi người, góp phần kiến tạo thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.
Quảng Tánh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét