Thời Đức Phật còn tại thế, thỉnh thoảng có vị đệ tử nghe, hiểu và nói sai lệch ý Phật. Những vị này thường bị Đức Phật gọi đến cật vấn, xác minh và chấn chỉnh, thậm chí có trường hợp Ngài quở trách nặng nề. Chính những sự việc như thế đã giúp cho Thế Tôn hết sức lưu ý, rồi dặn dò đệ tử trước khi nhập diệt: “Nếu có vị Tỳ-kheo nào nói như vầy: Này chư Hiền, tôi từng ở tại thôn kia, thành kia, nước kia, đích thân theo Phật được nghe, được lãnh thọ giáo pháp này. Nghe như vậy thì các ngươi cũng không nên vội tin, cũng không nên bài bác. Hãy nương theo Kinh mà xét chỗ hư thật. Nương theo Luật, nương theo Pháp mà xét rõ gốc ngọn. Nếu thấy lời nói ấy không đúng Kinh, không đúng Luật, không đúng Pháp, thì các ngươi hãy nói lại người kia rằng: Phật không nói như thế, ngươi đã nhớ lầm chăng? Bởi vì chúng tôi nương Kinh, nương Luật, nương Pháp. Mà lời ngươi vừa nói trái với Chánh pháp. Vậy này Hiền sĩ, ngươi chớ có thọ trì và chớ đem nói cho người khác. Hãy từ bỏ nó đi. Trái lại nếu xét thấy lời kia đúng Kinh, đúng Luật, đúng Pháp thì hãy nói với người kia rằng: Lời ngươi vừa nói, đúng là lời Phật nói. Vì chúng tôi nương Kinh, nương Luật, nương Pháp. Mà lời ngươi vừa nói phù hợp với Chánh pháp. Vậy Hiền sĩ! Hãy cẩn thận thọ trì và rộng nói cho người nghe, chớ có từ bỏ” (Kinh Trường A-hàm, kinh Du hành).
(tuvangiacngo@yahoo.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét