Chúng ta cùng tìm hiểu về Thiền Định - Lưu ý với các bạn Thiền Định và Ngồi Thiền là 2 khái niệm khác nhau nhé. (Niệm Phật - Trì chú - Ngồi Thiền ... Đích cuối cùng cũng là để vào Thiền Định)
Ngày xưa, mình nghe đến cảnh giới Thiền Định là nghĩ cái gì đó, nó cao siêu kinh khủng luôn. Lại còn được mọi người nói về việc chứng ngộ thần thông này nọ, nên mình càng hốt, tìm hiểu cũng thấy hoang mang.
Nhưng Thiền Định là gì? Nói đơn giản hóa vấn đề là: Hằng ngày chúng ta sống trong thế giới gặp quá nhiều vấn đề. Dẫn đến Tâm nó nhảy loạn xạ, suy nghĩ không ngừng. Nghĩ hết việc quá khứ, ân hận quá, bực bội quá. Rồi nghĩ đến chuyện tương lai, mong cầu quá, chờ đợi quá. Tâm nó đi hết quá khứ rồi tương lai, không thể nào mà dừng suy nghĩ lại được.
Thiền, nó giống như cái phanh của cuộc sống. Đạp cái phanh lại cho nó chậm lại, luồng suy nghĩ chậm lại, chậm cho đến khi nào không lo lắng về tương lai nữa, không hối hận về quá khứ nữa. Khi nào cái Tâm nó đứng im ở một trạng thái duy nhất, càng lâu càng tốt. Đây chính là sự tập trung. Bạn có thể tập trung vào đồ ăn, tập trung vào bước đi, tập trung vào công việc, tập trung vào một luồng suy nghĩ. Bất kì cái gì nhưng làm sao để duy trì sự tập trung lâu nhất.
Cho nên cái mục tiêu của Thiền là giảm tốc độ của Tâm xuống, và đến khi cái Tâm nó đạt cảnh giới, dễ dàng chú tâm cho thực tại. Từ Thiền Định nghĩa là Định tâm, cố định.
Đến khi bản thân chúng ta, hoàn toàn làm chủ được tâm của mình. Cảm nhận được tâm này đến, tâm kia đi, suy nghĩ này đến, suy nghĩ kia đi. Khi giận, biết mình đang giận. Khi tham, biết mình đang tham. Cảm nhận được sự sinh diệt của tâm.
Khi thấy cơ hội, cái tâm tham của ta trỗi dậy, ta thấy nó, nó sinh ra, rồi nó diệt đi.
Gặp một việc trái ý, cái tâm sân si trỗi dậy, bực tức sinh ra, ta thấy nó, rồi nó diệt đi.
Chúng ta cảm nhận, giống như chúng ta có thể đứng bên ngoài, nhìn vào chính diễn biến tâm của mình. Lúc đó chúng ta gọi là Thức Tỉnh.
Chưa thức tỉnh thì ta bổ củi, thức tỉnh rồi ta cũng bổ củi thôi. Nhưng lúc chưa tỉnh, thì đang bổ củi, Tâm nghĩ sẽ chuẩn bị nấu cơm. Nấu cơm xong còn lo đi giặt quần áo. Giặt quần áo thì bực mình, vì thằng bạn viết mực vào áo mình sáng nay. Chợt nhớ ra cây bút của mình, hết mực chưa thay. Bỗng thấy chán đời, vì lại nhớ ra là hết tiền mua bút. Suy nghĩ nó cứ rối loạn, quá khứ, tương lai, lo lắng.
...Thức tỉnh rồi, đắc đạo rồi, thì ta bổ củi thì tâm chỉ nghĩ về bổ củi thôi, sống trong thực tại thôi, an nhiên, ung dung, tự tại.
Khi đạt được trạng thái này, thì coi như thiền mọi lúc mọi nơi, lúc nào cũng là thiền. Đi, biết mình đang đi. Ăn, biết mình đang ăn. Uống, biết mình đang uống. Làm gì thì trú tâm làm cái đó, cảm nhận từng xúc chạm, từng ánh nhìn, từng âm thanh trong khoảnh khắc đó. Thế thì chẳng sướng, cực lạc ở đây chứ ở đâu, tìm hoài các bạn nhỉ.
Các bạn thấy đấy. Có mỗi cái việc, khiến cho cái tâm mình không nhảy nhót, không suy nghĩ linh tinh. Mà sinh ra cả một đống các loại phương pháp, và ti tỉ môn phái, để giải quyết điều này.
Bởi vì đạt trạng thái định, tập trung trong khoảnh khắc, nhiều người có thể làm được. Nhưng duy trì nó, và biến nó trở thành sự tự nhiên trong từng giây phút, thì nó gọi là cảnh giới rồi. Lúc nào cũng an nhiên được, lúc nào cũng ung dung được, đó mới là cái người ta hướng tới.
Vậy nên, con đường để đến cảnh giới đó, người ta gọi là: con đường TU TẬP
Chúng ta sẽ bước sang tìm hiểu, khía cạnh tiếp theo. Tu tập là làm gì?
Nói thì dễ đúng không các bạn, cho cái tâm nó chú tâm vào thực tại, thế là xong. Nhưng làm sao để làm được điều đó, mà không suy nghĩ viển vông, trên trời dưới biển, quá khứ, tương lai?
Đạo Phật hướng dẫn một lộ trình, mình sẽ phân tích cùng các bạn.
Con người phân ra làm 3 phần: Thân, Tâm, và Trí tuệ. Thế giới trong Tâm, là thế giới mà chúng ta đang tưởng tượng ra trong đầu mình. Lúc này mình mới hiểu, bộ phim Tây Du Kí không phải đơn thuần, chỉ kể về quá trình đi thỉnh kinh của Đường Tăng. Mà đó là một bộ phim để nhân hóa, mô phỏng quá trình bản thân chúng ta, chiến đấu trong nội tâm của mình.
Ví dụ như, Tôn Ngộ Không, đại diện cho tâm chính nghĩa, Bát Giới đại diện cho tình cảm, Sa Ngộ Tịnh đại diện cho bản tính, con ngựa đại diện cho ý chí, còn đường tăng đại diện cho thân thể. 5 mình trò Đường Tăng đồng lòng là sự hợp nhất của, thân, tâm, tình, tính, ý chí. Trên đường đi thỉnh kinh phải hàng ma, phục yêu, chính là quá trình đấu tranh với những ma tính, tâm tham lam, lửa sân hận, tính tự ái, sự ích kỉ, những ham muốn của bản thân.
... Cụ thể như,Ngưu Ma Vương đại diện cho lòng tự ái, công chúa thiết phiến đại diện cho sự ích kỉ, hồng hài nhi đại diện cho lửa sân hận. Những yêu quái như Kim Giác, Ngân Giác, đại diện cho tiền tài, có thể trói buộc Tôn Ngộ Không. Phản ánh tâm của con người dễ bị tiền tài trói buộc, trở thành nô lệ cho đồng tiền.
Tu tập được chia làm 3 giai đoạn là, Giới, Định, Tuệ, như sau:
Giai đoạn 1: Đầu tiên là học làm điều tốt. Ủa mà sao lại bắt đầu bằng làm điều tốt? Nhiều người nói là: Làm điều tốt để được hưởng phúc. Thì cũng đúng vì nếu đạt được trạng thái sướng, là hưởng phúc còn gì.
Nhưng mình nghĩ đơn giản là, làm điều tốt, sẽ giúp Tâm bớt suy nghĩ hơn là làm điều xấu. Bạn cứ nghĩ mà xem, những điều tốt bạn làm, bạn có nhớ không? Nhưng những điều xấu bạn làm, thì luôn khắc sâu trong đầu, rất dễ khơi gợi lại trong tâm trí.
Vậy nên hằng ngày càng làm nhiều điều tốt, thì sẽ giúp cho Tâm thanh thản hơn, tốc độ suy nghĩ của tâm nó chậm dần lại, không bấn loạn, không bị căng thẳng.
Giai đoạn 2: Khi làm điều tốt nhiều rồi thì tâm nhẹ nhàng hơn rồi, giống như là trước kia phi 120 km/h, thì giờ còn khoảng 30 km/h thôi. Tâm nó dao động ít, chậm hơn, suy nghĩ ít hơn, sân si giảm dần.
Khi tốc độ chậm hơn rồi thì chúng ta có thể học Thiền Định, nghĩa là cho tốc độ tâm giảm xuống tiếp, khi nào đứng im thì thôi. Gọi là Đạp phanh đúng không?
Thiền định nghe phức tạp, nhưng bản chất đơn giản thôi, đó là học cách tập trung vào một thứ gì đó.
Ví dụ như các cụ: Ngồi niệm phật, lần hạt, thực ra thì niệm Danh hiệu ngài nào cũng được. Hoặc trì thần chú gọi là thần chú cho nó linh thiêng thôi... Tác dụng như nào? Khi mình ngồi, mình đọc một câu gì đó, thì tâm sẽ tập trung vào câu đọc đó, thế là không suy nghĩ viển vông nữa, tốc độ của tâm nó giảm dần...
Các bạn sẽ thấy, Cái Tâm, chính là Tôn Ngộ Không, nhảy nhót khắp nơi, lên thiên đình xuống địa ngục. Một nhún là đến thiên sơn. Nghĩa là hoàn toàn có thể, 1 khoảnh khắc thôi đã có thể thành Phật, đắc đạo được rồi. Nhưng mà Thân thì phải trải qua từng kiếp nạn, loại bỏ những tính xấu, ma tính trong bản thân mình, thì mới đến được Thiên Sơn. Thế nên Ngộ Không phải phò tá Đường Tăng, trên từng bước chân, rửa đi cái nghiệp của bản thân, những thói quen cũ, những kí ức cũ, những mong cầu.
Chúng ta hằng ngày phải đi làm, đi xe, va chạm, hơn thua, nhìn đứa này ngứa mắt, nghe đứa kia nói xấu mình, nếm vị này thấy đắng, nằm trong phòng thấy lạnh,… Quá nhiều thứ tác động, làm cho cái Tâm không thể nào yên tĩnh được. Nó cứ nhảy nhót liên tục, lúc sướng, lúc khổ, không thể nào kiểm soát được.
Nhiều khi Tâm bị cuốn vào các thú vui cuộc sống, không giữ được mình. Khi cái Tâm nó làm bậy, thì bồ tát cho luôn cho cả vòng kim cô lên đầu cái Tâm. Nghĩa là khi chúng ta có sự quan sát, và kiểm soát cái Tâm, để nó không được phép muốn làm gì thì làm.
Và khi Tâm bấn loạn thì sư phụ đọc thần chú. Nghĩa là khi tâm bạn bị loạn, thì chúng ta có thể ngồi xuống, đọc thần chú gì đó, để cho chú tâm trở lại. Thần chú các cụ hay học là: Chú Đại Bi Hoặc chỉ đơn giản là Nam mô a di đà phật, vì Ngài Quán Âm, Đức Phật A Di Đà ... Được quan niệm rằng, ngài sẽ dang tay đón mọi người, đến với cảnh giới thanh tịnh, cực lạc. Khi trú tâm, không còn bấn loạn, không còn hoảng sợ, không còn lo lắng, thì tâm trở nên thanh tịnh, đúng quá rồi.
Ngoài ra, thì có thể thiền bằng cách quan sát hơi thở, thở ra, hít vào, tập trung quan sát, gọi là Thiền Khí Công, nghe hoành tráng không?
Hoặc Thiền Quán Thế Âm, quan sát âm thanh thế gian, tập trung vào nghe những tiếng động xung quanh, và quên đi mọi thứ khác.
Hoặc, chúng ta Thiền trong công việc, ăn uống, đi lại. Thiền được như vậy thì vô cùng tuyệt vời. Hiệu quả công việc, học tập, lúc đó sẽ rất tốt.
Nói chung, Thiền đơn giản là: Mình tập trung vào một đối tượng nào đó, lâu nhất có thể. Để rồi Tâm ta lành tính dần, chậm dần. Nhưng Thiền theo kiểu, chúng ta rà phanh đứng khực lại. Rồi sau đó, hết thiền thì chúng ta lại nghĩ loạn xạ mọi thứ, thì cũng không ăn thua. Như vậy ta Niệm Phật - Trì Chú bản chất cũng CHỈ ĐỂ VÀO THIỀN ĐỊNH ... Từ lâu khi nhắc đến THIỀN Là mọi người nghĩ đến NGỒI KHOANH CHÂN, MẮT LIM DIM ... Nhầm to: Đó gọi là NGỒI THIỀN ... Phải phân biệt các khái niệm cho rõ ràng và Minh Bạch ạ ...
Nguyên Tắc thì chỉ có 1 Đó là vào THIỀN ĐỊNH (ĐỊNH CÁI TÂM LẠI) ... Để thực hiện nguyên tắc sẽ có nhiều Phương Pháp: Có Thể Ngồi Tụng Kinh - Niệm Phật - Trì Chú Hoặc Ngồi Thiền - Kinh Hành ... Vân Vân và ... ...
Tuỳ vào vị thầy mà bạn nương tựa (Năng lực và cảnh giới của vị thầy có tầm ảnh hướng lớn đến Phương pháp của bạn ... Từ đó đi đến việc bạn thành tựu dễ hay khó). Đây mới là vấn đề hết sức nan giải ... Nếu Phúc Duyên không đầy đủ ... Bạn tu học tại những nơi mà vị Thầy hướng dẫn không có Pháp, suốt ngày chìm trong mê tín dị đoan ... Thì ôi thôi ... Coi như uổng phí kiếp người ... Bạn sẽ là bản sao, là hình bóng của vị thầy đó ... Bởi bạn bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của vị thầy đó ... Do vậy Đức Phật mới nói: Đạo Tràng Khó Gặp - Minh Sư Khó Tìm
Thưa Đại Chúng
Mục đích là rèn được thói quen cho tâm chậm lại dần, sau mỗi lần thiền, và dần dần đạt trạng thái thiền liên tục, và sống trong thực tại, sống trong sự tập trung. Giai đoạn này trong Phật Giáo, được gọi là Định. Khi thiền chậm lại được rồi, thì sẽ bắt đầu thấy hiện tượng khởi sinh Trí Tuệ và Trí Huệ, hiểu biết ngày càng rõ hơn.
Như vậy, khi con người ta làm việc thiện, việc Phúc, khép mình vào những quy tắc, quy định ... Sẽ làm lành tính con người, đó là Giới.
Nhờ có sự lành tính đó, thiện lương đó, chúng ta giảm bớt được những thứ mong cầu không cần thiết, giữ lại được những điều tốt đẹp. Chúng ta sẽ đến được với sự tập trung, khi đó là Định.
Khi Định, tập trung được, chúng ta sẽ tìm thấy được Trí Tuệ - Trí Huệ. Khi đến được với Tuệ, các lời giải của cuộc sống, sẽ dần hiện ra. Và chúng ta sẽ có những hành động, việc làm thật thông minh, sáng suốt khác người ... Mà ít có người có thể nghĩ ra ...
Khi Trí Tuệ thông suốt, thấu hiểu được vạn vật, thì chắc lúc đó chúng ta đạt cảnh giới, giống như Đức Phật khi xưa. Hỏi gì Đức Phật cũng biết, thật là đáng nể ...
... Bạn có thấy đơn giản và dễ hiểu không ạ ... Có gì khó đâu nhỉ Bạn có muốn nghe nữa không ạ ???
Đại đức Thích Quảng Hiếu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét