. Chuyển tâm một chỗ việc gì cũng xong (kinh Lương Hoàng Sám)
10 happy-vesak-day-illustration

Vui thay Đức Phật ra đời. Cõi người an lạc, Cõi Trời hân hoan!

.ĐẠO PHẬT LẤY SỰ DIỄN LÝ, CHO NÊN Ý NGHĨA RẤT THÂM SÂU. NGƯỜI NGOÀI CHƯA HIỂU CHỚ VỘI BÌNH XÉT. RIÊNG NGƯỜI CON PHẬT THÌ CẦN PHẢI PHƯỚC HUỆ SONG TU ĐỂ HIỂU CHO THẤU ĐÁO. "....TỨ HOẰNG THỆ NGUYỆN : Chúng sanh vô biên - thệ nguyện độ. Phiền não vô tận - thệ nguyện đoạn. Pháp môn vô lượng - thệ nguyện học. Phật đạo vô thượng - thệ nguyện thành.

PHƯỚC HUỆ SONG TU

 


.Tinh tấn ngăn ngừa những điều ác chưa phát sinh. Tinh tấn dứt trừ những điều ác đã phát sinh. Tinh tấn phát triển những điều lành chưa phát sinh. Tinh tấn tiếp tục phát triển những điều lành đã phát sinh. "

Thứ Hai, 19 tháng 6, 2023

IM LẶNG KHI CẦN THIẾT


  Xin Thầy giảng về sự im lặng trong mối quan hệ đối nhân xử thế?

Sư Ông Viên Minh trả lời:
- Trong mối quan hệ giao tiếp cần im lặng lắng nghe để hiểu được ý người nói mới biết nên tuỳ cơ ứng đáp cho thích hợp hoặc nên giữ im lặng khi biết nói ra không ích gì cho cả đôi bên. Trong mối quan hệ xã hội, ngã chấp thường làm cho vấn đề rắc rối hơn. Vội vàng đối đáp khi chưa thấu rõ vấn đề chỉ tạo ra bất đồng và mâu thuẫn. Vì vậy có câu nói, một lời đã nói ra ngựa hay cũng không đuổi kịp (Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy) nên khi nói phải cẩn thận, tốt nhất là nên “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”. Hồi thầy mới học Đạo, có chút lý thuyết Kinh Luận gặp ai cũng cố thuyết phục người ta, về sau mới phát hiện chẳng ai tiếp thu gì cả, vì thực ra mình chỉ cố khoe kiến thức hơn là giúp họ thấy ra Sự Thật. Đức Phật ngày xưa chỉ nói cái người nghe cần để giác ngộ giải thoát chứ không nói ra hết cái gì Ngài biết nên thường có ai hỏi Ngài mới tuỳ căn cơ mà khai thị. Cũng đôi lúc có người hỏi nhưng Ngài chỉ giữ im lặng, vì biết nói ra chỉ tạo hiểu lầm vô ích. Đó cũng là định luật cung cầu tự nhiên trong cuộc sống. Học cách nói năng và im lặng của Phật, thầy cũng chỉ chia sẻ những đạo lý thực tế mà người nghe cần, người nghe hỏi, chứ không chủ quan soạn bài sẵn để lên giảng ngôn từ kinh điển. Chỉ nên chia sẻ những điều mình thật sự thấy biết qua trải nghiệm thực tế với người đang cần, còn khi người ta chưa cần hay không cần thì tốt nhất nên im lặng, hoặc chỉ nên nhẫn nại lắng nghe để học thêm bài học nhân tình thế thái. Gặp người kiến thức sách vở, kinh điển, chữ nghĩa quá nhiều mà không biết sống thực tế, họ thường muốn nói chứ không muốn nghe thì càng nên im lặng, ngay cả khi họ hỏi cũng không nên nói, lúc đó im lặng đúng là vàng vì nói cái thực thì họ không hiểu còn nói lý thuyết thì họ đã quá đầy sao thu vào được nữa! Đó chính là "Nói người khôn không lại, nói người dại không cùng".
Trong tác phẩm Góp Nhặt Cát Đá có câu chuyện "Một Tách Trà" như sau: Nan-in, một thiền sư Nhật sống vào thời Minh Trị (1868-1892), tiếp một giáo sư đại học đến hỏi về Thiền. Nan-in mời trà. Ông đã rót đầy tách của khách nhưng vẫn tiếp tục rót thêm. Vị giáo sư ngồi nhìn trà trong tách tràn ra cho đến khi không kềm mình được nữa: - "Đầy quá rồi. Xin đừng rót nữa!". - "Giống như cái tách này", Nan-in nói "Ông cũng đầy ắp những quan niệm, những tư tưởng của ông. Làm sao tôi có thể bày tỏ Thiền cho ông được, trừ phi ông làm cạn cái tách của ông trước?"
Thầy cũng đã từng gặp những trường hợp tương tự. Có anh chàng nổi tiếng đi đến đâu cũng đặt câu hỏi để tranh luận, để chứng tỏ sở tri uyên bác của mình, anh ta đến gặp thầy và đặt câu hỏi, thầy mời uống trà và chỉ hỏi thăm sức khoẻ xã giao thôi. Vài lần như thế, anh thất vọng về nói với bạn bè "Lạ thiệt hỏi gì ổng cũng không trả lời nên mình chẳng biết thực lực ổng ta ra sao cả". Thực ra vì thầy biết có trả lời gì cũng sẽ gây tranh luận vô ích thôi. Nói chỉ là bạc, im lặng mới là vàng, do đó biết giữ im lặng là tốt, còn nếu khi nói lời nói cần phải có 5 điều kiện sau đây:
- Nói đúng sự thật
- Nói với thiện ý
- Nói lời dễ nghe
- Nói đúng chỗ
- Nói đúng lúc.
Đó là đủ 5 yếu tố ưu việt mà người trí sử dụng để nói cho có hiệu quả thiết thực.

SƯU TẦM TRÊN FACEBOOK

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét