Về tinh thần Thập mục ngưu đồ, chúng tôi giới thiệu dưới đây, còn về thư tịch cổ của Việt Nam, xin dẫn đoạn đối thoại sau đây trích trong “Truyền đăng lục”, quyển 9.
Phước Châu Đại An hỏi : “Tôi khao khát hiểu pháp Phật, đó như cái gì?”
Bách Trượng đáp: “Hệt như cưỡi trâu tìm trâu”.
Phước Châu Đại An: “Hiểu rồi thì như thế nào?”.
Bách Trượng: “Như người cưỡi trâu về nhà”.
Phước Châu Đại An: “Rồi làm sao giữ cho trước sau toàn vẹn”.
Bách Trượng: “Như người chăn trâu cầm roi giữ trâu mình đừng phạm đến lúa mạ của người”.
Bách Trượng đáp: “Hệt như cưỡi trâu tìm trâu”.
Phước Châu Đại An: “Hiểu rồi thì như thế nào?”.
Bách Trượng: “Như người cưỡi trâu về nhà”.
Phước Châu Đại An: “Rồi làm sao giữ cho trước sau toàn vẹn”.
Bách Trượng: “Như người chăn trâu cầm roi giữ trâu mình đừng phạm đến lúa mạ của người”.
Hỏi: Xin tạp chí tra cứu giùm về “Thập mục ngưu đồ” – mười bức tranh trâu? Tôi thấy có nhiều bộ tranh, vậy thì tại sao lại có nhiều bộ tranh khác nhau như vậy?.
Trả lời: Về 10 bức tranh trâu, có nhiều kiến giải, chúng tôi xin trích kiến giải của nhà Thiền học Daisetz, Teitaro Suzuki trong sách “Thiền Luận” do Trúc Thiên dịch,dẫn qua Thư viện Hoa Sen trong trang http://www.thuvienhoasen.org/, như sau:
THẬP MỤC NGƯU ĐỒ là mười bức tranh chăn trâu. Tranh ra đời từ triều đại nào, dưới ngọn bút lông nào, khó mà tra cứu cho đích xác được. Điều chắc chắn là tranh có từ xa xưa lắm, ban đầu chỉ có sáu bức, sau thất lạc luôn. Mãi đến từ đời nhà Tống, thế kỷ XII, nhiều bộ tranh mới bắt đầu xuất hiện tự các tòng lâm, thiền viện, phản ảnh nhiều khuynh hướng khác nhau trong sự tu tập. Như vậy là không phải chỉ có một bộ, mà nhiều bộ “mục ngưu đồ” khác nhau, tất cả đều đượm nhuần tinh thần Phật giáo Bắc Tông. Trong số ấy hiện nay được truyền tụng nhất là tranh của hai họa sĩ áo nâu THANH CƯ và QUÁCH AM.
Tuy có nhiều bộ tranh, nhưng bộ nào cũng như bộ nào, đều có 10 bức, mỗi bức có một bài tụng bằng thơ tứ tuyệt, và một bài chú giải bằng văn xuôi. Đó là về hình thức. Còn về tinh thần thì tranh tuy có nhiều, nhưng có thể xếp thành hai loại: loại tranh Đại Thừa và loại tranh theo khuynh hướng Thiền Tông. Trong mỗi loại, tranh vẽ không giống nhau, nhưng bài tụng và bài chú riêng cho mỗi loại vẫn không thay đổi.
Hỏi: Xin cho biết ý nghĩa của các bộ tranh Thập mục ngưu đồ?
Trả lời: Về bộ tranh “Thập mục ngưu đồ” đã có bài ở trên, chúng tôi xin điểm qua bộ tranh “Thập mục ngưu đồ”có khuynh hướng Đại thừa trước.
Tranh Đại Thừa vẽ con trâu đen. Lần lượt qua từng bức họa, trâu đen dần dần biến thành trắng. Trắng từ trên đỉnh đầu, rồi trắng quanh mình, rồi lan ra đến chót đuôi.
Đó là tượng trưng cho phép tu tập. Theo phép tu thì phải rất nhiều công phu mới tiến đến được từng nấc thang ngộ; nhờ công phu, ái tâm vọng lần hồi gạn lọc được trần cấu mà sáng lần lên, cũng như nhờ được dìu dắt mà con trâu hoang qua ngày tháng thuần thục dần, và trắng dần, tthay thế lớp da đen dơ dáy:
Nhựt cửu công thâm thỉ chuyển đầu
Điên cuồng tâm lực tiệm điều nhu
(Công phu chầy tháng mới quay đầu
Tâm loạn lần hồi chịu thuận nhu)
Mười bức tranh có tên là: Vị mục: chưa trăn; Sơ điều: Mới chăn; Thọ chế: chịu phép; Hồi thủ: quay đầu; Tuần phục: vâng chịu; Vô ngại: không ngại; Nhiệm vận: tha hồ; Tương vong: cùng quên; Độc chiếu: Soi riêng; Song dẫn: dứt cả hai ( vẽ vòng tròn).
Bộ tranh Đại Thưa nào cũng mở đầu bằng bức họa vị mục (chưa chăn) vẽ con trâu hoang và khép lại là bức họa song dẫn, vẽ một vòng tròn tượng trưng cho Viên Giác. “Song dẫn” là dứt được hết là cả hai: trâu và mục đồng, tâm và cảnh, dứt được hết là hiển hiện ánh Chân Như lung linh trong màu cỏ nội hoa ngàn:
Nhân ngưu bật kiến yểu vô tung
Minh nguyệt quang hàn vạn tượng không
Nhược vấn kỳ trung đoan đích ý
Dã hoa phương thảo tự tùng tùng
Nghĩa :
Người trâu chẳng thấy biệt mù tăm
Trăng sáng soi trùm muôn tượng không
Ví hỏi vì sao đoan đích ấy
Um tùm cỏ nội với hoa đồng
Chúng ta có thể thưởng thức vài bộ tranh chăn trâu loại Đại Thừa này trong cuốn Judo lnternational của Liên đoàn Nhu Đạo Pháp quốc, do Jagarin sao lục lại và có dịch luôn cả bài tụng và chú; trong Phật Học Tinh Hoacủa giáo sư Nguyên Duy Cẩn (phần phụ lục) trong pho sách cổ “Mục ngưu đồ” bằng chữ Hán tại thư viện chùa Xá Lợi; trong tập “Học làm Phật” của thầy Trương Lạc (chùa Linh Chưởng ấn hành, 1964), trong ấy có đủ mười bài thơ chăn trâu Đại Thừa, vừa nguyên tác vừa bản dịch của Tuệ Nhuận.
Về nội dung: Đề tài chung của các loại tranh chăn trâu là đường lối tu tập. Đường lối tuy nhiều, song không ngoài việc bắt tâm. Nên tập “Mục ngưu đồ” có thể coi như là lời giải đáp cho câu hỏi trong kinh Kim Cương:
“Vân hà hàng phục kỳ tâm?”
(làm sao làm chủ được cái tâm?)
Tâm ở đây là con trâu. Vì có trâu nên có mục đồng. Vì có tâm nên có cảnh. Tất cả cố gắng của Đại thừa đều nhằm vào sự “bắt buộc” trâu, tức là “điều tâm” vậy. Tâm là con trâu hoang. Muốn trị nó phải dùng những biện pháp mạnh, như đánh bằng roi, xỏ mũi bằng dây lòi tói v.v... Cũng vậy, muốn trị tâm, cần quy y, giữ giới cấm, phát tâm bồ đề v.v.... Qua ngày tháng, trâu trở nên thuần thục, tâm trở nên điều hòa. Đó là bước đầu, diễn tả bằng năm bức họa đầu: “vị mục, sơ điêu, thọ chế, hồi thủ và tuần phục”. Đó là giai đoạn của GIỚI vậy, mở đường cho ĐỊNH phát sanh trong giai đoạn kế. Trong giai đoạn này, tâm đã tuần phục, khỏi phải chăn giữ. Tâm đã định, không gặp gì chướng ngại. Tâm định là ngã chấp hết, song vẫn còn pháp chấp.
Đó là bước tu chứng của hàng tiểu Thừa (thanh văn và duyên giác) diễn đạt bằng hai bức họa “vô ngại” và “nhiệm vận”.
Cần đi thêm bức nữa, khai thác HUỆ giác đến chỗ TÂM vô TÂM: “Nhơn vô tâm, ngưu diệc vô tâm”.
Đến đây mới phá được pháp chấp: pháp cũng không, mà ngã cũng không, trâu cũng mất mà người cũng mất, cảnh cũng quên mà tâm cũng quên. Trước hết trâu mất còn người. Rồi người cũng mất luôn. Đó là cảnh giới của Bồ tát: diễn tả bằng hai bức họa “tương vong” và “độc chiếu”, “Tâm cảnh song vong nãi thị chơn pháp”
Từ đó, đi thêm bước nữa vào cảnh giới Như Lai, không nói được nên lời, mà chỉ có thể hình dung bằng một vòng tròn: Viên Giác. Đó là ý nghĩa của bức tranh cuối cùng (song dẫn) khép lại quá trình tu chứng theo TIỆM GIÁO, đi từ giới đến định và huệ, từ thanh văn, duyên giác đến bồ tát, Phật, từ hữu tâm đến tâm và vô tâm, từ chỗ tất cả đều có đến nhân pháp đều không .v.v... Đó là vô dư Niết Bàn.
Tóm lại, “Thập mục ngưu đồ” vẽ lại quá trình công phu của người học đạo, trước hết tự thắng bản năng mình, sau đến tự tri, cuối cùng chỉ để tự tại thôi (être simplement). Cái vòng tròn cuối cùng (tranh 10: song dẫn) tượng trưng sự đoạn tuyệt với tất cả những nếp suy tư của chúng ta, cắt đứt một trạng thái ý thức và hiện hữu mà thường chúng ta không được biết”.
Hỏi: Vậy tóm lại tranh ngưu mục đồ khuynh hướng Đại thừa khác với khuynh hướng Thiền tông thế nào?
Trả lời: Chúng tôi chưa có dịp so dẫn sự sai khác, xin tóm lược về bộ tranh theo khuynh hướng Thiền tông để bạn tự rút ra kết luận.
Tranh Thiền Tông có loại vẽ con trâu đen, có loại vẽ con tru trắng. Trâu trắng là ý nói “bạch ngưu xa”, xe trâu trắng, tức là Phật thừa. Đạo Phật có ba thừa - ba cỗ xe - là xe dê, xe nai va xe trâu (thường) chở các hàng thanh văn, duyên giác và bồ tát ra khỏi nhà lửa mà thành đạo. Tuy nhiên, ba thừa chỉ là phương tiện giả lập lên, những hóa thành, những pháp môn tiếp dẫn dùng cho người kém khí lực. Đối với hạng thượng căn chỉ một thừa thôi - Phật thừa - trực tiếp đưa người vào cảnh giới Phật thừa là “bạch ngưu xa”. Bạch ngưu xa, chính là cái tâm đại giác viên mãn của Phật Thiền Tông chủ trượng trực tiếp thành Phật là vậy.
Tuy nhiên, lý thuyết là lý thuyết, loại tranh vẽ trâu trắng vẫn hiếm hoi, ít được thưởng thức bằng loại tranh vẽ trâu đen, rắn rỏi, mộc mạc, gần cuộc sống hơn.
Tuy nhiên, lý thuyết là lý thuyết, loại tranh vẽ trâu trắng vẫn hiếm hoi, ít được thưởng thức bằng loại tranh vẽ trâu đen, rắn rỏi, mộc mạc, gần cuộc sống hơn.
Dầu trắng hay đen, con trâu Thiền đều giữ nguyên vẹn một màu lông qua các giai đoạn biến chuyển. Đó là phép tu ĐỐN. Đốn giáo dạy rằng người ta thành Phật là thành ở nội tâm, “tự nhiên” mà thành, không phải thành lần hồi, theo cấp bực; xưa nay chưa hề có Phật cấp bực bao giờ nên người ta hoặc là Phật, hoặc không là Phật, chớ không thể suýt thành Phật, Phật chút chút, lai rai được.
Còn về thứ lời thì tranh Thiền Tông nào cũng mở đầu bằng bức họa tầm ngưu vẽ một chú mục đồng đi tìm trâu (trâu không có trong hình) là khép lại bằng bức họa nhập triền thùy thủ (buông tay vào chợ) vẽ một nhà sư trộn lẫn cùng thế tục.
Riêng về cái vòng tròn Viên Giác nằm ở bức họa thứ 10 của Đại Thừa, qua bên thiền Tông lại thụt lùi về hàng thứ 8, mà đề là "nhân ngưu câu vong", nghĩa là trâu và người đều quên.
Về cách đặt tên, tranh Thiền tông có tên là: Tầm ngưu: tìm trâu; Kiến tích: thấy dấu; Kiến ngưu: thấy trâu; Đắc ngưu: được trâu; Mục ngưu: chăn trâu; Ky ngưu quy gia: cưỡi trâu về nhà; Vong ngưu tồn nhân: quên trâu còn người; Nhân ngưu câu vong: người trâu đều quên (vẽ vòng tròn); Phản bổn hoàn nguyên: trở về nguồn cội; Nhập triền thùy thủ: thõng tay vào chợ.
Cũng như ở hầu hết các pháp môn khác, vấn đề đặt ra cho Thiên vẫn là sự “hàng phục kỳ tâm”. Tâm của Đại Thừa là ngã tướng. Đến Thiền thì cái ngã được thâu hẹp thành cái niệm. “Tôi tư duy, tức có tôi”. Niệm là ý nghĩ, tư duy, là intellect, được coi là phần tử cốt cán của cái “tôi”. Nên Thiền dạy vô niệm, dạy cắt đứt suy tư, bất cứ suy tư gì. Vô niệm: niệm tức chánh. Hữu niệm: niệm thành tà. (Pháp hữu đàn kinh)
Do đó Thiền kỵ lý luận, không giảng dạy, thường chỉ ngậm miệng quên lời, thảng có nói thì thường chỉ nói bằng lối phi lý luận. Trong quá trình phân phái của đạo Phật, Thiền quả là nhát búa cuối cùng của Đại Thừa đập vào óc thông minh mà loài người chúng ta hằng tự phụ.
Trong hệ thống các pháp môn, Thiền là đốn giáo, chủ trương thấy được tánh là tức khắc thành Phật, tại đây và ngay ở phút giây này. Tuy nhiên, pháp môn nào cũng có tu và có chứng. Chứng là một biến cố đột ngột, ngoài thời gian. Đó là một sự thật quá ư thật, như tiểu sử nhiều thiền tổ đã chứng rõ. Tuy nhiên, cũng cần những tiểu sử ấy còn cho ta thấy trước khi được đốn ngộ, hầu hết các tổ, và trước hết là Phật Tổ, đều trải qua nhiều đoạn đường dọ dẫm rất gay go. Như vậy là sự tu tập vẫn phải đặt trong chiều thời gian mà đi đến lần hồi vậy, hay nói một cách khác: tu thì tiệm mà chứng thì đốn.
THẬP MỤC NGƯU ĐỒ của Thiền tông cũng ghi lại bước tiến từng bực ấy trong thời gian và không gian. Chúng tôi xin trình bày bước tiến ấy theo ba đoạn đường: sai tâm bắt tâm - tâm vô tâm - bình thường tâm.
1. SAI TÂM BẮT TÂM:
Chú mục đồng đi tìm trâu (tranh 1). Tìm ở đâu ? Đâu cũng là hoang vu, là rừng rậm, là nẻo dọc đường ngang, chỉ có tiếng ve kêu rộn rã đầu cành. Rồi chú thấy dấu chân trâu (tranh 2), thấy thân trâu (tranh 3). Thì ra trâu có trốn đâu, tại chú không thấy đó thôi. Trâu vẫn đứng đó một mình, tự thuở nào, đôi sừng lẫm liệt, mũi đụng mây xanh. Rồi chú chụp lấy trâu (tranh 4), rồi xỏ mũi, cột cổ, đập đánh, canh chừng không rời mắt, quyết dũng mãnh để mà chiến thắng. Lần lần trâu thuần tánh ngoan ngoãn theo chú như bóng theo hình (tranh 5). Rồi chú cưỡi trâu về nhà, miệng thổi sáo, hát líu lo, lòng vui không nói được (tranh 6: kỵ ngưu quy gia).
Cưỡi trâu về nhà là cưỡi tâm về chỗ ban sơ. Người ta đi tìm tâm vì trong đôi giây phút khác thường nào đó, người ta đâm ngờ bản thân mình, cũng như ngờ những điều mắt thấy tai nghe. Có nghi mới có tìm. Có tìm ắt gặp dấu. Gặp dấu trong kinh sách, và nhất là trong những phút trống trải, cảnh vắng, đêm tàn, tri óc nhẹ suy tư, con người bỗng dưng như đối diện với chính mình trong một niềm đau thương và kỳ thú khó nói. Thế là bắt được dấu, con người phăng mối đi tình tâm.
Đó là giai đoạn cầu. Ngoại cầu là “khiến Phật đi tìm Phật, tâm đi bắt tâm” (Hy Vận). Tâm ở đâu mà bắt ? Thử coi: lần lượt qua sáu bức họa, ta thấy khoảng cách giữa trâu và người chăn trâu cứ thâu ngắn lại mãi cho đến rốt cuộc người chăn trâu ngồi hẳn trên lưng trâu, trâu với người nhập làm một. Vậy nên hỏi rằng tâm ở đâu chẳng khác nào hỏi trâu ở đâu trong khi chính ta đang cưỡi trên lưng trâu. Ta đã đuổi bắt tâm khắp đó đây, rốt cuộc mới nhật ra rằng târn ở nơi ta; ta chỉ cần dừng bước lại là nó hiện liền trước mắt, và sự vật hiện nguyên hình trong ánh sáng mới lạ.
Dừng bước lại: ai ngờ đâu cái việc làm hết sức là vô vi ấy lại có một thần lực nhiệm màu có thể thay đổi cả cục diện của một kiếp người, cả một lớp người. Nếu thỉnh thoảng loài người chúng ta biết dừng chân lại vài phút, ngồi im một chỗ vài phút - vài phút thôi - thì khuôn mặt của thế gian này chắc không đến đỗi quá nhăn nhíu như ngày nay.
2. TÂM VÔ TÂM
Tuy nhiên, còn tâm là còn cảnh. Còn cảnh thì còn “xúc cảnh sinh tình”. “Tình sinh thì trí cách”. Tâm, cảnh, tình kết dính vào nhau trong cái thế liên hoàn, cái vòng nhân duyên gây day dứt, mâu thuẫn.
Đạo không mâu thuẫn. Thiền là “bất nhị pháp môn”, không hai mà cũng không một Mâu thuẫn là do tâm, do niệm.
Ta niệm vì ta tưởng rằng mình thiếu một cái gì, nên đi tìm ở ngoài mình để đắp vào. Thiền dạy rằng ta không thiếu gì hết tự đời thuở nào ta vốn là tròn đầy, ngàn trước, ngàn sau. Ta không thiếu. Trái lại ta có dư: cái hại là ở đó. Ta dư đủ thứ do niệm bày ra, do suy tư vẽ vời thêm, đủ thứ. Những cái dư ấy, gọi chúng là vô minh. Vô minh vốn không thật, nên không ai hoài công mà trừ nó bao giờ, mà chỉ cần tự tri tự giác thôi. Tự biết được “con người thật”của mình thì vô minh tan mất, như bóng tối tan trước vừng dương. Phật dạy trong kinh Viên Giác: “Tri huyễn tức ly ,ly huyễn tức giác”, là vậy.
Cũng vậy, khi sư Huệ Khả ra mắt Tổ Đạt Ma xin pháp an tâm. Tổ dạy: Ngươi đem “tâm” lại đây ta “an” cho. Sư luýnh quýnh hồi lâu, sau đành thú thiệt: Con tìm mãi mà không thấy được tâm. Tổ dạy: Thầy đã “an” rồi cái “tâm” của con đó. Như vậy, cái việc mà ta quen gọi là phá vọng không còn là một việc làm nữa - nếu không nói là một việc làm VÔ VI - mà xét cùng ra chỉ là một sự nhận thức thôi, một prise de conscience - nhận thức tánh Phật bản lai ở trong ta.
Vậy sau giai đoạn ngoại cầu, tiếp theo là giai đoạn tự tri giác. Tự tri không phải bằng suy niệm mà bằng dứt niệm; dứt niệm bằng những phép tu tập rất vô vi, như tịnh quán chẳng hạn. Bằng tịnh quán, con người thấy, - xin nói rõ là thấy, là kiến, là tri kiến, chớ không phải là học, là nghĩ, hay nghe nói. (Tất cả bí quyết của sự chứng ngộ đều nằm ở chữ thấy đó) - Thấy tâm không thật, thấy người không thật.
Thấy tâm không thật thì tâm dứt: trâu quên (tranh 7: vong ngưu tồn nhân). Thấy người không thật thì người quên nốt (tranh 8: nhân ngưu cứu vong). Người và trâu đều quên, thì tự lòng đất dũng mãnh vọt lên mặt trời huệ: tượng trưng bằng cái vòng tròn Viên Giác (tranh 8). Đó là Tâm vô Tâm. “Biết cái tâm là không tâm, ấy là hiểu suốt đạo Phật”.
Sau đây, chúng tôi xin mượn lời giáo sư Thiền học Suzuki đóng lại đoạn này : “Đứng về mặt tâm lý, giác là vuợt ra ngoài vòng ràng buộc của bản ngã. Về mặt lý luận, giác là viên dung có và không” "Về mặt siêu hình, giác là trực ngộ được cái lẽ tự tại là luân hồi, luân hồi là tự tại” .
3. BÌNH THƯỜNG TÂM
Thiền cho rằng vô tâm chưa phải là đạo, mà còn phải qua một quan ải nữa: Mạc vị vô tâm vân thị đạo. Vô tâm do cách nhất trùng quan. (Trần Thái Tôn)
Thật vậy, trong đêm cuối cùng khi đức Phật ngồi ở cội bồ đề, Ngài lần lượt xuất và nhập ba từng cảnh giới tâm linh (dục giới, sắc giới, vô sắc giới) tức là ngài còn phải thức tỉnh dậy nữa, nhờ ánh sao mai, để mà trở về với ý thức bình thường. Từ trạng thái “nhân cảnh câu bất đoạt”, Ngài phải trở về trạng thái “nhân cảnh cân bất đoạt”[2] để trả lại tất cả cho cuộc sống thường nhiên. Trở về là trở về với trời đất, với muôn sinh, với nguồn sống vô tận ở trong ta và ở ngoài ta, trở về để như mọi người, “thấy núi chỉ là núi, thấy nước chỉ là nước”.
Trở về với trời đất - Trở về với trời đất với Pháp giới: đó là ý nghĩa của bức họa số 9, đề “Phản bản hoàn nguyên”, và vẽ cảnh lá rụng về cội, nước chảy về nguồn. Từ thuở nào, con người vốn là thanh tịnh, vốn là không, nên Thiền khỏi phải làm gì hết, chỉ cần thấy tánh là được trở về để mà nhập cuộc. Nhập cuộc là nhập vào cái trật tự tự nhiên không thỉ không chung của trời đất.
Trong trật tự ấy, chúng sanh là một pháp vô tâm nên vô sự. Viên sỏi bên đường là một pháp vô sự nên vô vi. Muôn pháp đều vô vi mà bình đẳng nhau trong Pháp giới vô ngại: nước chảy, hoa trôi, trăng lên, gió mát. Muôn vật đều vô ngại nên tự tại, không phải tự tại ở Niết Bàn, không phải tự tại trong phiền não mà tự tại trong KHÔNG: Niết Bàn và phiền não chỉ là trò ảo thuật của tâm. Trong trạng thái KHÔNG ấy, những danh từ thánh phàm phải trái, tỉnh mê, đều mất nghĩa: tất cả đều là đại đồng, ứng hóa từ một giác tánh, nên nhứt thiết không Niết Bàn. Không có Niết Bàn Phật. Không có Phật Niết Bàn (Lăng già). Tất cả cả là một. Một là tất cả. Một hột bụi chứa đủ ba ngàn thế giới. Ba ngàn thế giới là một hột bụi: đều là KHÔNG.
Trở về với thế tục là trở về với cái tâm bình thường. Thiền dạy: “Bình thường tâm thị đạo”. Quốc sư Phù Vân đời nhà Trần nói : “Lấy cái muốn của thiên hạ làm cái muốn của mình. “Lấy cái tâm của thiên hạ làm cái tâm của mình. Cái muốn ấy chính là cái muốn mà đức Khổng Tử phải chờ đến bảy mươi tuổi mới dám muốn, sau khi chứng lý vô ngã” : “Thất thập tòng tâm chi sở dục”. Chứng được đạo lý ấy thì là gì cũng hiệp đạo, “không theo không lìa, không dừng không dính, tung hoành tự tại, đâu cũng là đạo tràng” pháp nào cũng là Phật pháp, đi đứng nằm ngồi cũng là Phật pháp, chém rắn giết mèo cũng là Phật pháp, đói ăn khát uống cũng là Phật pháp.
Cho nên Tổ Tuệ Trung Trần Tung mới ung dung ngồi ăn thịt cá và nói: “Phật là Phật, anh là anh. Anh chẳng cần làm ra Phật, cũng như Phật chẳng cần làm ra anh. Hoàng hậu chẳng nghe Cổ Đức nói: “Văn Thù là Văn Thù, mà giải thoát là giải thoát” đó ư?” Cho nên vị sư trong THẬP MỤC NGƯU ĐỒ thõng tay đi vào chợ, tay ôm bầu nước, tay chống gậy tre, đánh bạn với bợm nhậu và phường thọc huyết heo – “tụi nó và thầy đều là Phật cả mà” (tranh 10). Đó là vô trụ Niết Bàn.
Tóm lại, để gom hết yếu lý chung của mười bức tranh chăn trâu, chúng tôi xin chép lại bài kệ sau đây thay lời kết luận : Tầm ngưu tu phóng tích. Học đạo quý vô tâm. Tích tại, ngưu hoàn tại. Vô tâm đạo dị tầm .
Nghĩa: Tìm trâu cần phăng dấu. Học đạo cốt vô tâm .Dấu đâu thì trâu đó. Vô tâm đạo dễ tầm.
Theo Ngụy Định - CT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét