Ngựa là một trong số các con vật được con người thuần dưỡng rất sớm nên đã có...
GN Xuân - Ngựa là một trong số các con vật được con người thuần dưỡng rất sớm nên đã có những gắn bó thân thiết với đời sống xã hội của loài người, đóng góp nhiều vào tiến trình văn minh của nhân loại.
Do đấy, ngựa đã có mặt một cách sinh động nơi văn chương, hội họa, âm nhạc, điêu khắc, kiến trúc… Trong chiều hướng như thế, thì sự việc kinh Phật đã đề cập khá nhiều về ngựa (*) cũng là chuyện bình thường. Điều đáng chú ý là từ kinh văn đến thiền ngữ, hình tượng ngựa đã được khắc họa đa dạng và đặc dị. Nhân Tết con Ngựa, chúng tôi xin ghi nhận tóm tắt về hình tượng ngựa trong Thiền học Việt Nam thời Lý-Trần.
Nếu như trong kinh văn, hình tượng ngựa được nói đến hầu hết đều mang tính ẩn dụ, đối dụ: Nói về ngựa là để dụ cho người… thì nơi thiền ngữ - ở đây là thiền ngữ trong Thiền học Việt Nam thời Lý-Trần - hình tượng ngựa, như vừa nêu ở trên, là đã được khắc họa đa dạng và đặc dị. Chúng ta có hình tượng ngựa chạy nhanh, rồi nào ngựa trúc, ngựa gỗ, ngựa đá, ngựa sắt. Một số chi phần của ngựa như ý ngựa, bụng ngựa, tai ngựa, mồm ngựa, kể cả thứ rất uế tạp là phân ngựa cũng được nói đến. Xin lần lượt ghi nhận:
1. Hình tượng Ngựa phóng nhanh: Thông thường là để chỉ cho thời gian:
* Lữ khách ruổi ngựa như tên bắn (Kính khách dương tiên mang tợ tiễn) (Lễ dâng hương buổi mặt trời lặn - Tâu bạch, trong Khóa hư lục của Trần Thái Tông. Dẫn theo Thích Thanh Kiểm: Khóa hư lục dịch, chú, 1992, trang 143).
* Hoặc: Vách cổ dế kêu dồn dập, đường xưa vó ngựa rộn ràng. (Cổ bích tần thôi cung vận, ngự nhai sơ động mã đề). (Lễ dâng hương cuối đêm. Tâu bạch, trong Khóa hư lục. Dẫn theo Thích Thanh Kiểm, Sđd, trang 165).
2. Hình tượng Ngựa trúc: Ngựa trúc thì đi với áo hoa (Trúc mã ban y) và Ngựa trúc áo hoa là chỉ cho thời thơ ấu của con người. Nối tiếp là Gậy cưu xe cói (Bồ luân cưu trượng), chỉ cho giai đoạn già nua của đời người, như Trần Thái Tông (1218-1277) đã viết trong bài Nói rộng về bốn núi (Phổ thuyết tứ sơn): “Núi thứ hai là tướng già. Hình dung thay đổi, khí huyết suy vi… Mái xanh má đỏ, đổi thành tóc bạc da gà. Ngựa trúc áo hoa, lại thêm Gậy cưu xe cói…”. (Dẫn theo Thích Thanh Kiểm: Khóa hư lục dịch, chú, Sđd, trang 13).
Tham khảo bài Thất ngôn tứ tuyệt “Than tóc bạc” của Vương Duy (701-761) thời thịnh Đường, một đúc kết về kiếp nhân sinh theo cái nhìn của người mộ Phật:
Túc tích chu nhan thành mộ xỉ
Tu du bạch phát biến thùy thiều
Nhất sinh kỷ hử thương tâm sự
Bất hướng không môn hà xứ tiêu.
(Ngày nào má đỏ nay răng móm
Phút chốc màu sương nhuộm trái đào
Một kiếp bao nhiêu niềm khổ hận
Không về cửa Phật gột làm sao!)
(Giản Chi dịch, Vương Duy thi tuyển, 1993, trang 280-281)
3. Hình tượng tâm viên ý mã: Đây là chỉ cho tâm ý của chúng sinh luôn hướng về ngoại cảnh, dong ruổi nơi sáu trần.
* Trần Thái Tông, trong bài Bàn về tọa thiền(Khóa hư lục) đã chỉ rõ: “Nếu khi ngồi thiền chẳng tắt mọi niệm thời tâm vượn nổi dậy, ý ngựa lông bông” (Tâm viên cạnh khởi, ý mã bôn trì). (Dẫn theo Thích Thanh Kiểm, Sđd, trang 49).
* Cũng trong Khóa hư lục: Lễ dâng hương buổi mặt trời lặn. Kệ vô thường thời này:
Cảnh giục trời gác núi
Thời nào tiếc thốn âm
Buông lung theo ý ngựa
Chẳng chịu cột viên tâm…
(Cảnh bức tây sơn mộ
Hà thời tích thốn âm
Duy năng bôn mã ý
Na khẳng trụ viên tâm).
(Dẫn theo Thích Thanh Kiểm, Sđd, trang 146)
* Hoặc: Chín: Nguyện tâm vượn đừng khua múa
Mười: Nguyện ý ngựa tắt roi kìm.
(Cửu: Nguyện tâm viên hưu trạo tí
Thập: Nguyện ý mã tức dương tiên).
(Dốc lòng phát nguyện trong Lễ dâng hương cuối đêm: Khóa hư lục. Dẫn theo Thích Thanh Kiểm, Sđd, trang 168).
* Nơi Phần Thi tụng, bài 7, Tuệ Trung thượng sĩ (1230-1291) viết: “Miết nhĩ tùy tâm viên ý mã, nan miễn lợi lụy tỏa danh cương”. (Bỗng chốc theo tâm viên ý mã, tránh được sao lợi buộc danh giàm). (Dẫn theo Lý Việt Dũng, Sđd, trang 340, 343).
4. Hình tượng Bụng ngựa, Tai ngựa, Mồm ngựa, Ngựa sau lừa trước, Phân ngựa.
* Bụng ngựa (Mã phúc) thì đi đôi với thai lừa (Lư thai), ý chỉ cho chúng sinh trôi lăn trong luân hồi sinh tử.
Cử: “… Nếu một mảy may ý niệm phàm thánh chưa hết, chưa tránh khỏi rơi vào bụng ngựa thai lừa…”. (Nhược nhất hào đầu phàm Thánh vị tận, vị miễn nhập Lư thai mã phúc). Phần Cử của Niêm tụng kệ thứ 28, Khóa hư lục. Dẫn theo Thích Thanh Kiểm, Sđd, trang 101).
Phần Thi tụng: Bài số 10, Tuệ Trung thượng sĩ viết:
Bắc lý ưu du đầu mã phúc
Đông gia tán đản nhập lư thai.
(Xóm Bắc thẫn thờ chui bụng ngựa
Nhà Đông lững thững nhập thai lừa).
(Dẫn theo Lý Việt Dũng, Sđd, trang 358)
* Tai ngựa (Mã nhĩ):
Bài Sám hối tội nhĩ căn(Khóa hư lục), Trần Thái Tông viết: “Nghe nửa câu kinh, thoảng qua tai ngựa”. (Hoặc bán thính kinh toại sinh mã nhĩ). (Dẫn theo Thích Thanh Kiểm, Sđd, trang 137).
Tai ngựa (Mã nhĩ) ở đây là chỉ cho kẻ không lưu tâm tới lời nói của người khác. Tức còn khá hơn Tai trâu.
* Ngựa sau lừa trước: Dụng ngữ của Thiền tông chỉ cho kẻ nô lệ chỉ biết theo hầu chủ: Đi trước đầu lừa dắt cương hay cầm roi hầu sau đuôi ngựa. (Xuất xứ từ Cảnh Đức truyền đăng lục).
Phần Tụng cổ: Tụng của Niêm tụng kệ 11, Tuệ Trung thượng sĩ viết:
Lư tiền mã hậu mạc hoành hành
Mã đạp, lư đề tác ma sanh…
(Ngựa sau, lừa trước chớ ngang tàng
Ngựa giẫm, lừa giày như thế chăng…)
(Dẫn theo Lý Việt Dũng, Sđd, trang 261, 262)
Một dụng ngữ khác có nghĩa tương tự với lừa trước, ngựa sau là “Lư thần mã chủy: môi lừa, mồm ngựa” hàm ý chê trách Thiền tăng nhiều lời, nhưng chỉ là lập lại ý tưởng đã có của cổ nhân. (Xem Lý Việt Dũng, Sđd, trang 263-264).
* Phân ngựa (Mã phẩn)
Phần Đối cơ. Đoạn 6: (Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục):
Lại hỏi: Thế nào là pháp thân thanh tịnh?
Sư nói: Ra vào trong vũng bò đái
Nhủi chui giữa đống phân ngựa.
(Tiến vân: Như hà thị thanh tịnh pháp thân?
Sư viết: Xuất nhập ngưu sưu nội
Toàn nghiên mã phân trung).
(Dẫn theo Lý Việt Dũng, Sđd, trang 101)
Hình tượng “Nhủi chui giữa đống phân ngựa” ở đây là đã phỏng theo câu đáp của Thiền sư Tư Minh, chép ở sách Cảnh Đức truyền đăng lục, quyển 15: “Tăng vấn: Như hà thị thanh tịnh pháp thân? Sư viết: Thỉ lý thư nhi đầu xuất đầu một”. (Tăng hỏi: Thế nào là pháp thân thanh tịnh? Thiền sư Tư Minh ở Hào Châu đáp: Giòi bò lúc nhúc trong đống phân). (Theo Lý Việt Dũng, Sđd, trang 104-105). Dùng hình tượng ô uế để đáp lại câu hỏi Thế nào là pháp thân thanh tịnh, về ý nghĩa cũng tương tự như Bài Kệ phó pháp của Thiền sư Minh Lương (thế kỷ XVII) cho Thiền sư Chân Nguyên (1646-1726):
Mỹ ngọc tàng ngoan thạch
Liên hoa xuất ư nê
Tu tri sinh tử xứ
Ngộ thị tức Bồ-đề.
(Ngọc xinh ẩn trong đá
Hoa sen nẩy tự bùn
Nên biết tìm giác ngộ
Nơi sinh tử trầm luân).
(Dẫn theo Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận II, 1992, trang 122)
5. Hình tượng Ngựa đá, Ngựa sắt, Ngựa gỗ:
* Ngựa đá (Thạch mã):
Kệ Thị tịch (bài 2) của Thiền sư Đại Xả (1120-1180):
Trơ trơ răng ngựa đá
Tháng ngày kêu ăn mạ
Trên đường ai cũng nhanh
Người trên ngựa chẳng hành.
(Thạch mã xỉ cuồng ninh
Thực miêu nhật nguyệt minh
Đồ trung nhân cộng quá
Mã thượng nhân bất hành).
(Dẫn theo Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Sđd, trang 223)
Nơi trang 450, ghi chú 14, Lê Mạnh Thát chú: Ngựa đá, Bò đất, Thiền gia thường dùng để chỉ cho công vị của thiền. Thiền sư Thúy Nham, Công Huân vấn đáp:
Nê ngưu ẩm tận trừng đàm nguyệt
Thạch mã gia tiên bất chuyển đầu.
(Bò đất uống hết trăng đầm lặng
Ngựa đá roi quất chẳng ngoảnh đầu).
* Ngựa sắt: Ngựa sắt (Thiết mã) cũng đi đôi với bò đất (Nê ngưu): “Quay đầu ngựa sắt cưỡi rong về. Xỏ mũi bò đất đi lùi bước” (Hồi đầu thiết mã đã duệ quy. Mạch tị nê ngưu hành khước bộ). (Bài Nói rộng một đường hướng thượng trong Khóa hư lục. Dẫn theo Thích Thanh Kiểm, Sđd, trang 66). Phần kệ nơi cuối bài có câu: “Chốn chốn dương xanh kham buộc ngựa. Nhà nhà có lối đến Trường An”. (Xứ xứ lục dương kham hệ mã. Gia gia hữu lộ đáo Trường An). (Sđd, trang 66).
* Ngựa gỗ: Ngựa gỗ (Mộc mã) thì cũng đi kèm với Bò đất (Nê ngưu):
Tích niên tặng ngã nê ngưu hống
Kim nhật hoàn tha mộc mã tê.
(Năm xưa tặng ta bò đất rống
Hôm nay ngựa gỗ hí trả về).
(Phần Chư nhân tán tụng (Thượng sĩ hành trạng), Bài cẩn tán của Tông Cảnh. Dẫn theo Lý Việt Dũng, Sđd, trang 542, 543).
Hoặc với bò đá (Thạch ngưu):
Hành khán thạch ngưu hống nguyệt
Trụ thính mộc mã tê phong.
(Đi thì xem bò đá rống trăng
Dừng thì nghe ngựa gỗ hí gió).
(Bài Yếu minh học thuật của Tôn giả Pháp Loa: 1284-1330. Dẫn theo Thơ văn Lý-Trần II, 1989, trang 677).
Ngựa sắt, Bò đất, Ngựa gỗ, Bò đá… ở đây “Đều dụ cho cảnh giới giải thoát, xa lìa mọi phân biệt” (Thích Thanh Kiểm, Sđd, trang 68. Chú số 13). Hoặc: “Chỉ cho trạng thái triệt để giác ngộ, thong dong tự tại”. (Lý Việt Dũng, Sđd, trang 545).
Hình tượng ngựa đã hiện diện một cách đa dạng nơi thiền ngữ - ở đây chỉ mới bàn về thiền ngữ nơi Thiền học Việt Nam thời Lý-Trần - quả là rất đặc biệt, kỳ lạ.
Tháng 12 năm 2013
Đào Nguyên
........................................
(*) Về kinh Phật nói về ngựa:
Kinh tạng Nam truyền: Xem Kinh Tăng chi bộ, các chương 3, phẩm thứ 10 (3 kinh), phẩm thứ 14 (3 kinh). Chương 4, phẩm thứ 12 (3 kinh), phẩm thứ 26 (2 kinh). Chương 8, phẩm thứ 2 (2 kinh). Chương 11, phẩm thứ 1 (1 kinh). Tổng cộng là 14 kinh.
Kinh tạng chữ Hán: Kinh Tạp A-hàm: ĐTK/ĐCTT, Tập 2, N0 99, 50 quyển. 1362 kinh ngắn. Các kinh số 917 đến 926 (10 kinh). Kinh Biệt dịch Tạp A-hàm, ĐTK/ĐCTT, Tập 2, N0100, 16 quyển. 364 kinh. Các kinh số 143 - 151 (9 kinh).
giacngo.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét