. Chuyển tâm một chỗ việc gì cũng xong (kinh Lương Hoàng Sám)
10 happy-vesak-day-illustration

Vui thay Đức Phật ra đời. Cõi người an lạc, Cõi Trời hân hoan!

.ĐẠO PHẬT LẤY SỰ DIỄN LÝ, CHO NÊN Ý NGHĨA RẤT THÂM SÂU. NGƯỜI NGOÀI CHƯA HIỂU CHỚ VỘI BÌNH XÉT. RIÊNG NGƯỜI CON PHẬT THÌ CẦN PHẢI PHƯỚC HUỆ SONG TU ĐỂ HIỂU CHO THẤU ĐÁO. "....TỨ HOẰNG THỆ NGUYỆN : Chúng sanh vô biên - thệ nguyện độ. Phiền não vô tận - thệ nguyện đoạn. Pháp môn vô lượng - thệ nguyện học. Phật đạo vô thượng - thệ nguyện thành.

PHƯỚC HUỆ SONG TU

 


.Tinh tấn ngăn ngừa những điều ác chưa phát sinh. Tinh tấn dứt trừ những điều ác đã phát sinh. Tinh tấn phát triển những điều lành chưa phát sinh. Tinh tấn tiếp tục phát triển những điều lành đã phát sinh. "

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2024

Sáng suốt trước tác động của truyền thông đối với cộng đồng Phật giáo Việt Nam ( 4 )

 


5.    Những trăn trở của Phật giáo trong thời hiện đại.


     Hàng đệ tử xuất gia ứng dụng giới luật và hành trì như thế nào để phù hợp với thời đại là vấn đề cần làm rõ. Chúng ta biết rằng giới luật chính là khuôn vàng thước ngọc trong Phật giáo để người tu tập đạt đến sự giải thoát. Việc đức Phật chế định trong giới luật “盡 形 壽 不 得 捉 持 生 像 金 銀 寶 物- tận hình thọ bất đắc tróc trì sanh tượng kim ngân bảo vật” (vị Tỳ-kheo suốt đời không được cất giữ tiền, vàng, vật quý) là điều không ai có thể phủ nhận. Thế nhưng, liệu điều giới này phải được vận dụng như thế nào trong thời đại hiện nay thì quả thật không dễ.


     Nếu nói rằng đã là giới luật là nhất thiết phải y theo, thì chúng ta cũng phải thừa nhận ngay là hầu như mọi sinh hoạt Phật giáo cho việc hoằng pháp lợi sanh, đóng góp cho cộng đồng xã hội trong hiện tại sẽ hoàn toàn tê liệt. Tuy nhiên, theo chiều hướng ngược lại, thì người tu hành cần phải hiểu rõ tất cả vật chất chỉ là phương tiện để hành đạo nếu không thì sẽ dễ dàng dẫn đến sự lạm dụng niềm tin của tín thí, dẫn đến sự phóng túng buông thả và thậm chí là sa đọa trong nếp sống của người Tăng sĩ. Nói như vậy cũng không phải là quá lo xa, mà thật ra là đang đề cập đến những gì đã và đang diễn ra trong giai đoạn gần đây. Và đây là một nỗi buồn rất lớn cho mọi người Phật tử, cho tương lai đạo pháp.


    Qua hiện tượng “Sư Minh Tuệ”, nhiều Phật tử đã phản ứng bằng cách không tiếc lời chê bai, công kích hoặc châm biếm những kẻ sa đọa mà họ gọi là “ma tăng”, sử dụng tiền cúng dường của tín thí cho cuộc sống xa hoa của riêng mình. Những phê phán của họ có thể là không sai từ một bộ phận nhỏ nào đó trong hàng Tăng sĩ. Và đây cũng là một nỗi buồn lớn cho Phật giáo, khi hình ảnh cao quý của chư Tăng bị hoen ố bởi chính những người đang giữ trọng trách hoằng truyền lời Phật dạy.


     Hình ảnh “Sư Minh Tuệ” xuất hiện vào lúc này khiến người ta so sánh hạnh buông xả, hạ thấp mình, hạ thấp mọi nhu cầu vật chất của bản thân xuống đến mức tối thiểu với những lời thuyết giảng mang tính hù dọa, những tư cách của một vị giảng sư thiếu oai nghi tế hạnh nói nói cười cười với những lời phi pháp. 


    Nhưng chúng ta vẫn tin tưởng rằng ở đâu đó trên đất nước này, có rất nhiều những vị Tăng, Ni với đạo tâm kiên cố và tấm lòng thiết tha với đạo pháp đang âm thầm tu tập như vậy, nhưng ít người biết đến. Cho dù các vị ấy không thuyết pháp, nhưng những Phật tử xung quanh cũng sẽ luôn được thấm nhuần pháp vị, và chắc chắn là niềm tin vào Tam Bảo của họ sẽ ngày càng kiên cố hơn. Tuy nhiên, với sự chuyên tâm tu tập đúng chánh pháp và học hỏi kinh điển thì chắc chắn là bất kỳ điều gì các vị nói ra sau đó cũng đều sẽ là chánh pháp.


    Chúng ta vẫn tin tưởng rằng ở đâu đó trên đất nước này, có rất nhiều những vị Tăng, Ni đang tu tập và hướng dẫn Phật tử đúng chánh pháp. Họ nhập thế để làm lợi ích cho đời, cứu giúp biết bao mảnh đời bất hạnh trong xã hội. Làm đẹp cho đạo, cho đời xứng đáng là hàng sứ giả Như Lai và chúng ta có quyền tin tưởng vào họ để cùng tu tập chuyển hóa bản thân mình.

6.    Giải pháp nào cho cộng đồng Phật giáo hiện nay:


     Đối mặt với cơn khủng hoảng truyền thông, vấn nạn thuyết pháp, một số tiêu cực của nội bộ hiện nay. Bên cạnh đó những thế lực ẩn mình luôn tìm cách chia rẽ cộng đồng Phật giáo, chống phá Phật giáo, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay quả là một vấn đề thách thức lớn cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cộng đồng Phật giáo Việt Nam.


     Thiết nghĩ đã đến lúc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các Ban chuyên môn trực thuộc Giáo hội cần có những quy định, những biện pháp chế tài chặt chẽ theo đúng tinh thần Giới luật và giáo luật, cụ thể:


-    Loại trừ dứt điểm việc tổ chức hay triển lãm những sự kiện Phật giáo mang tính truyền bá mê tín lệch lạc với chánh pháp của Phật giáo.


-    Kiên quyết chế tài đối với các vị thuyết giảng sai lạc Phật giáo, có tính hù dọa, gây ngộ nhận và bất mãn chia rẽ cho quần chúng.


-    Đặt rõ tiêu chuẩn cho người thuyết giảng tối thiểu phải có oai nghi tế hạnh chứ không phải lên ngồi nói nhăng nói cuội, nói xàm thậm chí nói tục tĩu gây mất hình ảnh đẹp của Phật giáo trong quần chúng.


-    Về công tác Tăng sự cần quy định chặt chẽ và cụ thể cho các vị trụ trì khi nhận người vào xuất gia tu học. Căn cứ đúng quy định của giới luật mới cho thọ giới đúng theo lộ trình của người xuất gia, đặc biệt công tác khảo thí tuyển trạch giới tử cần làm kỹ lưỡng hơn, không chỉ làm bằng hình thức.


-    Công tác truyền thông cần định hướng cụ thể, xiển dương tinh thần “ẩn ác dương thiện”, kết hợp với các cơ quan truyền thông quốc gia một cách rõ ràng cụ thể trong các thông tin về Phật giáo, về Tăng Ni.


-    Quy định và chế tài về những phát ngôn của các vị chức sắc trong Giáo hội.


      Đối với Tăng Ni hiện nay khi đối diện với với những gì đang diễn ra cũng là một thách thức lớn cho đời sống tu tập và hành đạo. Vai trò của chư Tăng Ni mang sứ mạng hoằng truyền đạo pháp dù bất cứ hệ phái nào đi nữa thì trọng trách của chư Tăng Ni chính là chủ thể để làm đạo pháp ngày càng sáng tỏ hơn. Tất cả Tăng Ni ai cũng mang trong tâm mình hoài bão xuất gia tìm cầu sự an lạc, giải thoát mọi khổ đau ràng buộc ngay từ ngày đầu mới phát tâm xuất gia học đạo. Nhưng giữa một xã hội phát triển vũ bão này đôi khi làm chúng ta quên mục đích ban đầu của người phát nguyện làm đệ tử Phật.


    Tôi còn nhớ từng đọc một báo với tựa đề là “Xã hội cần gì ở Phật giáo?”. Xin thưa, xã hội có lẽ cần rất nhiều thứ ở Phật giáo: Cần một nền đạo đức chuẩn mực, một đời sống tâm linh đúng nghĩa giữa cái ngột ngạt của xã hội hiện đại; cần Phật giáo dấn thân làm từ thiện; cần Phật giáo đem sự bình an cả khi sinh và khi tử; cần Phật giáo dạy đúng về nhân quả; cần Phật giáo truyền bá đúng chánh pháp... 


     Thiết nghĩ, chúng ta cũng cần tự đặt cho mình câu hỏi “Tăng Ni cần gì khi đi tu?”. Và chúng ta ai cũng biế tự trả lời rằng mục đích đi tu là để tìm cầu giác ngộ giải thoát, Phật giáo chủ trương phục vụ chúng sanh, có nghĩa là đem giáo pháp để giúp người ta tu hành, làm lợi ích cho số đông nghĩa là hành hạnh Bồ Tát. Nhưng Tăng Ni muốn đem giáo pháp để lợi lạc chúng sanh thì trước hết chúng ta phải thật sự cảm nhận được lợi lạc từ giáo pháp. Bản thân chúng ta phải thực sự sống và trải nghiệm trong giáo pháp mới có thể đem giáo pháp ấy đến cho quần chúng, cho số đông được.


     Trọng trách của chư Tăng Ni là lớn lao lắm, bởi Phật pháp duy trì hàng ngàn năm nay đều nhờ vào hàng Tăng Ni hoằng hóa. Hơn bao giờ hết nay rất cần nền đạo đức xã hội để cân bằng với sự phát triển vũ bão này. Rất cần lắm ở chư Tăng Ni làm biểu tượng, làm điểm tựa cho quần chúng Phật tử và những người có cảm tình với Phật giáo. Hàng ngàn năm qua vai trò của chư Tăng Ni đã làm rất tốt và hơn bao giờ hết ngay lúc này và tương lai về sau tất cả chư Tăng Ni sẽ giữ gìn và phát huy vai trò của mình tốt hơn nữa.


     Đối với người Phật tử tại gia là một trong bốn chúng đệ tử Phật cũng đóng một vai trò quan trọng. Nhưng giữa sự nhiễu nhương của thị phị này chúng ta rất đau lòng khi nhìn thấy Phật tử đã rời xa chánh kiến, rời bỏ niềm tin vào triết lý đạo đức Phật giáo. Cũng không thể trách được vì Phật tử hiện nay cũng đang phải chịu sự tác động của truyền thông quá lớn. Họ đã tiếp nhận quá nhiều nhiều thông tin tiêu cực từ Tăng Ni, từ nội bộ Phật giáo trong suốt nhiều năm qua. Nhưng nếu là người con Phật đúng nghĩa, tôi tin tưởng rằng với niềm tin vững chức, có chánh kiến, có trí tuệ nhận biết để suy xét kỹ lưỡng thì chắc chắn rằng người Phật tử tạ gia chân chánh sẽ không bị cuốn vào vòng xoáy của thị phi nhằm chia rẽ cộng đồng Phật giáo.


    Đã đến lúc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tất cả cộng đồng Phật giáo chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề điều chỉnh cho phù hợp trong xu thế hiện tại. Để mọi tác động và nhu cầu xã hội diễn ra Phật giáo không phải bị chịu nhiều áp lực như hiện nay. Phật giáo chúng ta sẽ không bị chi phối bởi một vài ngôi chùa lợi dụng tôn giáo để tổ chức sự kiện mang tính mê tín dị đoan nhằm trục lợi. Không bị chi phối bởi một vài cá nhân Tăng Ni lầm đường lạc lối, cũng không bị chi phối bởi truyền thông xã hội, bởi những thế lực ẩn mình chống phá, triệt hạ uy tín Phật giáo, chia rẽ cộng đồng Phật giáo. Đã đến lúc với vai trò quản lý của Giáo hội cần phải chấn chỉnh lại những vấn đề tiêu cực đã và đang xẩy ra trong cộng đồng Phật giáo một cách nghiêm khắc hơn. Vận mệnh thịnh suy của Phật giáo đã có từ hàng ngàn năm qua, nhưng chúng ta có quyền tin tưởng vào tuệ giác, sự tỉnh thức của Phật giáo, nền đạo đức và triết lý của Phật giáo sẽ không một ai có thể hủy diệt được miễn rằng thế gian này vẫn có người giữ vững niềm tin dù rất ít người…

 

Thích An Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét