Con người dù nghèo nhưng biết tu nhân tích đức, tin sâu nhân quả thì cuộc sống vẫn giá trị và quý báu hơn vì có thể đóng góp nhiều lợi ích cho nhân loại.
Phỉ báng người tu hành chân chính
Đời nay lưng gù do nhân gì?
Kiếp trước cười chê người lễ Phật.
Ai bị quả báo lưng gù thì người niễng một bên rất khó coi. Vì sao mà nên nông nỗi này? Thấy người tụng kinh, lễ Phật thì khinh khi coi thường, nói rằng Phật xi măng, Phật gỗ, lễ lạy như vậy có lợi ích gì; rồi lại cười chê người tu hành chân chính nên ngày nay chịu quả báo gù lưng như hứng chịu một khối thịt ung thư cả chục ký. Lễ Phật để ta biết được mình còn thấp kém, ti tiện mà cố gắng vun bồi phước huệ, học được hạnh khiêm tốn mà yêu thương bình đẳng với tất cả mọi người. Nếu ta không biết lễ Phật thì cũng đừng nên cười chê, coi thường mà sau này phải chịu quả báo khổ đau vì nhân quả theo ta như hình với bóng. Khi nói năng hay làm việc gì ta phải cân nhắc kỹ càng trước khi nói và hành động, đừng chờ quả khổ đến rồi lại than thân trách phận và đổ thừa thì không nên.
Tay chân tật nguyền do nhân gì?
Kiếp trước ngăn đường đánh cướp người.
Người đánh đập người vô cớ hoặc bẫy lưới chim cá, làm người và vật khổ đau thì ngày nay phải chịu tật nguyền, làm người không đủ 6 căn. Chân tay bị cong quẹo, cà quèo cà quắp, người cao chưa đầy một thước, muốn tự mình ăn cơm uống nước rất khó khăn. Hạng người như vậy chúng tôi thấy rất nhiều vì tháng nào chúng tôi cũng đến trung tâm bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa-Tỉnh Bình Dương để cùng chia vui sớt khổ với những người bất hạnh. Chúng tôi đã làm việc này trong nhiều năm với tấm lòng “của ít tình nhiều”, mong muốn mọi người sẽ được lành lặn, đầy đủ 6 căn như người bình thường; nhưng cũng may cho những người này vì hiện tại họ gặp được chính pháp của Phật đà qua sự hướng dẫn của chúng tôi. Trung tâm bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa là cơ sở duy nhất có chùa Phước Thiện được sự quan tâm và giúp đỡ của lãnh đạo ủy ban chính quyền các cấp, nhờ vậy mà những trại viên ở đây luôn an tâm vui vẻ sống hòa hợp với nhau và biết làm lành lánh dữ, tin sâu nhân quả theo lời Phật dạy, nhờ vậy họ chuyển hoá được nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc.
Quả báo của sự lường gạt
Làm thân trâu ngựa do nhân gì?
Xưa thiếu nợ người không chịu trả.
Xưa có một cô bé bán bánh do tâm cung kính cúng dường Tam bảo nên sau này được làm hoàng hậu. Bà ta có 5 người tùy tùng, 4 người khiêng kiệu cho bà, 1 người chuyên dọn dẹp và được sai làm các việc cần thiết. Bà đến hỏi Phật nguyên nhân vì sao? Phật bảo 5 người đó trước là sa môn, do giả dạng hiện tướng tu hành nhận của cúng dường từ bà mà ngày nay phải làm thân tôi tớ trả nợ. Thiếu nợ không trả hoặc lường gạt của người khác nhẹ thì làm tôi tớ, nặng thì làm trâu ngựa để cày bừa, kéo xe nặng nhọc mà trả nợ năm xưa. Nhân quả rất công bằng không từ chối một ai, làm lành được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau, dù trăm kiếp ngàn đời chúng vẫn không mất, khi hội đủ nhân duyên quả báo hoàn tự hiện.
Đọa làm heo chó do nhân gì?
Kiếp trước lừa gạt phỉnh hại người.
Người đời trước biết làm phước cho các loài súc vật ăn uống no đủ, đàng hoàng, nhưng do nhân tham đắm, ngu si mà phải đọa làm heo. Làm heo thì sướng thật, được con người cho ăn uống phủ phê toàn những thứ bén mắt nên khi ăn chúng táp nghe phầm phập, ăn xong lại nằm phè ra ngủ một giấc ngon lành; ăn xong rồi ngủ, ngủ dậy rồi ăn, được con người chăm sóc chu đáo, tắm rửa sạch sẽ ngày ba lần; nhưng cuối cùng chỉ trong vòng 3 tháng heo ta được đưa vào các lò thịt để cung cấp cho người. Loài chó cũng vậy, có những con chó nhà giàu được chủ thương yêu chăm sóc, nuôi nấng chu đáo hơn cả con người. Tuy chúng cũng được hưởng phước đầy đủ nhưng chỉ là loài thú, không có sự hiểu biết như con người. Con người dù nghèo nhưng biết tu nhân tích đức, tin sâu nhân quả thì cuộc sống vẫn giá trị và quý báu hơn vì có thể đóng góp nhiều lợi ích cho nhân loại.
Quả báo làm khổ chúng sinh
Đời nay nhiều bệnh do nhân gì?
Xưa làm khổ người hại chúng sinh.
Bệnh hoạn có nhiều nguyên nhân, một do ăn uống thái quá, hai do làm khổ người, hại chúng sinh. Chúng ta thường nghe nói:
Miếng ăn là miếng tồi tàn,
Không ăn một miếng lộn gan trên đầu.
Ăn uống là nhu cầu cần thiết để nuôi sống con người, nhưng vì chúng ta không biết điều tiết hài hòa, cứ nghĩ phải bồi bổ cho tấm thân đầy đủ để có sức khỏe làm việc phục vụ cho gia đình, xã hội nên cứ tham đắm ăn uống thật nhiều. Thật ra, cơ thể thiếu chất cũng sinh bệnh mà dư chất lại càng bệnh hơn. Thiếu chất thì gọi là bệnh nhà nghèo, dư chất thì gọi là bệnh nhà giàu, đó là loại bệnh thái quá trong ăn uống. Có một loại bệnh do làm khổ đau con người, đánh đập các loài súc vật như nuôi trâu bò để cày bừa, kéo xe, khi cày bừa mệt hoặc kéo xe nặng chúng đi chậm ta không biết thương xót mà còn dùng roi hoặc cây có đầu nhọn để đánh, để chọt làm chúng đau đớn, khổ sở vô cùng. Làm con người ta phải có lòng nhân, những con vật giúp ta làm nên sự sống cần phải biết quý trọng, chăm sóc chu đáo, cho uống ăn đủ đầy, làm việc có giờ giấc. Ta đừng lạm dụng chúng quá sức, đừng vì chút lợi riêng mà hành hạ làm chúng khổ đau.
Đời nay không bệnh do nhân gì?
Xưa giúp thuốc men cứu nhân loại.
Thời Phật còn tại thế, có vị tỳ kheo chứng A La Hán suốt đời không bệnh, đến khi viên tịch an nhiên, tự tại ra đi để lại cho đời tiếng thơm muôn thuở. Mọi người thắc mắc hỏi Phật do tạo nhân gì mà được thân không bệnh. Phật dạy thầy Tỳ kheo đó xưa kia từng làm thầy thuốc chữa bệnh giúp người không lấy tiền. Không bệnh là hạnh phúc tối thượng, có sức khỏe, có con người, có hiểu biết chân chánh thì cuộc sống sẽ bình an, hạnh phúc biết dường nào. Chúng ta hay có tật chờ quả khổ đến mới than thân trách phận mà không biết tạo nhân tốt để được ích mình, lợi người. Xã hội hiện nay theo quan niệm của cá nhân tôi có 3 nghề nghiệp tôn quý khó có thể thực hiện được trọn vẹn. Đó là nghề bác sĩ hay thầy thuốc, nghề dạy học cho các em và nghề tu sĩ dạy con người sống có văn hóa, đạo đức để trở thành con người tâm linh. Phật đã dạy, “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”; chỉ có đạo Phật mới chính thức là đạo của con người nên ngày nay thế giới đã công nhận lễ Phật Đản là lễ hội văn hóa của loài người.
Quả báo của việc làm ác
Hằng bị lao tù do nhân gì?
Kiếp trước làm ác hãm hại người.
Nhân vu khống để người bị tù tội oan hoặc hay giam cầm các loài súc vật vì thú vui của mình dẫn đến quả báo ngày nay phải chịu tù tội, và còn rất nhiều nguyên nhân khác như cướp của giết người, tham nhũng, bóc lột của người khác, lãng phí của công, thụt két công quỹ, giựt nợ, lường gạt, ghen tuông, đánh đập người vô cớ, bạo hành trong gia đình, nghiện ngập ma túy, say sưa nên làm bậy… Vô số những ác nghiệp như thế không sao kể hết mà kết thành vòng lao lý, tù tội. Hiện tại tệ nạn xã hội lan tràn đã đến hồi báo động vì chương trình giáo dục của ta chưa được hài hòa, chừng mực. Kính mong sao quý ban chính quyền các cấp vì sự nghiệp và tương lai lâu dài của đất nước mà đưa giáo lý nhà Phật phổ cập hóa nhân gian. Chúng tôi từng bước đã và đang làm việc này để xây nhịp cầu nối kết yêu thương, sẻ chia cuộc sống vì tình người, tình nhân loại trong cuộc sống.
Đời nay chết đói do nhân gì?
Kiếp trước thường lấp hang rắn chuột.
Chết đói là một quả báo vô cùng đau khổ, thân thể tiều tụy, chết dần chết mòn theo thời gian chẳng khác nào kiếp ngạ quỷ lang thang, đói khát vô cùng, muốn ăn mà ăn chẳng được vì miệng nhỏ như cây kim, bụng lớn như cái trống chầu. Vì quả báo do tham lam, bỏn xẻn mà phải chịu đói khát như bà Thanh Đề mẹ của tôn giả Mục Kiền Liên, lúc sống tạo nhiều ác nghiệp nên chết bị đọa làm quỷ đói. Mục Liên xin được bát cơm hai tay dâng mẹ, bà một tay che cơm, một tay bốc ăn vì sợ quỷ khác thấy xin; nhưng nghiệt ngã thay, cơm hóa thành lửa, bà ăn không được nên khổ sở vô cùng. Còn việc lấp hang rắn chuột hay hủy hoại lương thực thực phẩm của người khác thì ngày nay phải chịu quả báo chết khát, chết đói là vậy. Năm 1945 tại miền Bắc nước ta bị chết đói gần hai triệu người do phát xít Nhật gây nên. Nhân quả rất công bằng và sòng phẳng, ai gieo nhân tốt thì gặt quả tốt, ai gieo nhân xấu thì chịu quả xấu khi hội đủ nhân duyên. Người phật tử chân chính hãy nên tin sâu nhân quả và tin chính mình là chủ nhân ông của bao điều hoạ phúc.
Bị thuốc độc chết do nhân gì?
Trước bẫy lưới giết hại cá chim.
Vì sự sống của nhân loại mà con người bày ra đủ cách để giết hại các loài súc sinh, nào bẫy lưới giăng bắt các loài thủy sản dưới nước; nào săn bắn, bẫy lưới các loài thú rừng và loài có cánh, đủ mọi hình thức để nuôi sống loài người. Con người là một sinh vật cao cấp nhất trong các loài nhờ có óc suy xét, tìm tòi, nghiên cứu, phát minh những tiện nghi vật chất để phục vụ cho nhân loại. Chính vì con người có hiểu biết nhờ quán chiếu mà biết soi sáng mọi sự vật, nếu đi theo chiều hướng tốt đẹp thì giúp nhân sinh sống an bình, hạnh phúc; ngược lại nếu theo chiều hướng si mê, chấp ngã nên muốn chiếm hữu sẽ làm muôn loài chịu nhiều đau khổ, khi đã ác thì cùng hung cực ác không loài nào bằng. Thế giới này 5 loài cùng chung ở nên tương tàn, tương sát lẫn nhau để bảo tồn mạng sống. Lớn hiếp nhỏ, mạnh hiếp yếu và cứ như thế ăn nuốt lẫn nhau nên nhân quả thù nghịch vay trả không có ngày cùng. Chính vì thế mà thế giới luôn xảy ra chiến tranh, binh đao, sóng thần, động đất, thiên tai lũ lụt không có ngày thôi dứt vì nghiệp giết hại mà ra.
Nổi trôi cơ khổ do nhân gì?
Ác tâm lấn hiếp mưu hại người.
Nhiều người suốt đời bôn ba chỗ này, chỗ kia để làm ăn sinh sống mà chẳng bao giờ được cơm no áo ấm, lại hay thiếu trước hụt sau. Thường kẻ nghèo nàn, thiếu thốn dễ trở thành người tội lỗi vì họ lúc nào cũng tìm cách mưu hại người, thành ra càng khốn khổ hơn. Lẽ đời ở hiền thì gặp lành, gieo gió thì gặt bão. Người bần cùng khốn khổ giống như người từ chỗ tối đi vào chỗ tối, nếu không gặp được thầy lành bạn tốt thì chắc chắn suốt đời, suốt kiếp họ bị chìm đắm trong biển khổ sông mê. Người phật tử giữ gìn 5 giới cấm trọn vẹn thì đời này, đời sau sống đi đến đâu cũng gặp người giúp đỡ tận tình vì không có tâm lấn lướt, âm mưu, hãm hại người nên sống chỗ nào cũng dễ dàng, thuận tiện.
Quả báo của sự chấp ngã
Đời nay lùn bé do nhân gì?
Kiếp trước khinh khi người xem kinh.
Lùn bé là nhân khinh khi, cống cao ngã mạn, xem thường người có tài đức, không biết tôn trọng, kính lễ một ai. Bản thân tôi là một bằng chứng thiết thực, tự thấy mình cũng còn bệnh đó nên bây giờ có tướng lùn thấp, may nhờ có tu chút chút mà biết cách thay đổi từ từ; còn người lớn con nhưng vẫn cống cao ngã mạn thì đó là bệnh chung của nhân loại khi có trong tay một chút quyền lực. Việc khinh thường người xem kinh bị quả báo lùn bé thì không thể chối cãi được. Người đọc kinh, xem sách để học hỏi những điều hay lẽ phải mà biết cách tu tập để chuyển hoá phiền não tham-sân-si, ta lại vì tâm hẹp hòi, ích kỷ mà chê bai, coi thường, không những chịu quả lùn thấp mà còn bị quả ngu si, mê muội vì không chịu học hỏi và chỉ trích người khác. Người phật tử không nên xem thường việc học của mình, nhưng cũng chớ khinh ai mà phải hay khích lệ mọi người tu học để cùng nhau sống bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.
Nay thường thổ huyết do nhân gì?
Xưa rượu thịt say sưa hại vật.
Chủ trương của đạo Phật là giúp con người được sống an vui hạnh phúc nhờ có lòng từ bi giúp người cứu vật. Từ bi thương xót cứu giúp mọi người mà không có trí tuệ sáng suốt e rằng sẽ làm hại thêm nhiều người. Mục đích của đạo Phật là đem niềm vui và tình yêu thương đến muôn loài nên nhà Phật không có chủ trương giết hại. Vì phương tiện độ thoát chúng sinh nên Phật cấm người xuất gia ăn mặn. Theo tinh thần Phật giáo Bắc tông phát triển theo đời sống con người, cư sĩ tại gia tùy theo khả năng và hoàn cảnh mà có thể ăn chay hoặc ăn mặn, hạn chế tối đa việc giết hại để nuôi sống bản thân. Phật giáo Nam tông tức nguyên thủy ăn mặn theo tinh thần Tam tịnh nhục, không thấy, không nghe, không giết, không có tâm giết hại khi ăn thì không sao, ai cúng gì ăn đó không đòi hỏi, không tìm cầu. Nhưng tại sao ở đây lại nói ăn thịt rồi đi tụng kinh bị thổ huyết? Vì có tâm cố tình giết hại để bồi bổ thân mình mà phải chịu quả báo như vậy. Chỗ này tùy theo sự nhận hiểu của mỗi người mà ráng cố gắng tu hành cho tốt, đừng vì mình ăn chay mà phỉ báng người ăn mặn. Chay mặn là tùy người, người ăn mặn vẫn chứng quả như thường vì tâm của họ không có cố ý giết hại.
Đời nay ngu điếc do nhân gì?
Kiếp trước phỉ báng người làm lành.
Ngu đồng nghĩa với vô minh hoặc si mê, hay nói cho đủ là ngu si, mê muội; đã ngu mà còn điếc nữa thì thật là quá quắc. Người đời thường nói “điếc không sợ súng”, hai từ ngu và điếc đi đôi với nhau để diễn tả đầy đủ sự ngu, đã ngu rồi nên bất chấp tất cả mà làm càng, làm bướng, tới đâu hay tới đó, chẳng biết phân biệt đúng sai. Chính vì vậy mới mạ nhục, phỉ báng người làm thiện, làm lành. Vì họ không tin nhân quả, cho rằng chết là hết hay mọi thứ đều là ngẫu nhiên, không có họa phúc, tốt xấu nên mặc tình gieo tạo nhân ác. Người phật tử chân chính càng không nên phê phán hoặc chỉ trích ai khi thấy người đó đang làm những việc có ích; đã không phỉ báng mà còn tuỳ hỷ vui vẻ với việc làm tốt của họ thì cả hai đều được phước bằng nhau. Người làm phước thì quả báo nhiều tiền bạc, người tuỳ hỷ vui theo thì không bị tâm ganh ghét, tật đố nên không sân hận mà nói những lời mắng chửi hoặc đã thương, giết người khi không làm chủ được cơn giận.
Ghẻ lác, phong điên do nhân gì?
Xông hơi thịt cá trước bàn Phật.
Phật nói cho đủ là Phật Đà, là người đã hoàn toàn giác ngộ và giải thoát. Phật là lời nói tắt, có nghĩa là giác, chính mình tự giác rồi giác tha, giúp đỡ mọi người được giác ngộ như mình cho đến ngày giác ngộ viên mãn; ở đây ý nói đến sự thanh tịnh, sáng suốt. Chúng ta vì thấy biết sai lầm nên bày biện rượu thịt, cá mắm trước bàn Phật mà ăn uống, nhậu nhẹt, say sưa, làm mất đi vẻ đẹp thuần khiết trang nghiêm bàn Phật, về sau phải chịu quả báo cùi đui, sức hủi, tâm thần ám độn, mê muội. Uống rượu say sưa, hút chích xì ke ma túy, đưa vào cơ thể các loại độc tố có hại hoặc mình xử dụng hoặc xúi bảo người xử dụng sẽ bị nhân quả ghẻ lác, phong điên, ngày nay gọi là bệnh tâm thần vì không còn đủ lý trí sáng suốt để làm chủ bản thân. Chúng tôi cứ ba tháng một lần đến trung tâm tâm thần Tân Định-Tân Uyên-Bình Dương để giúp đỡ và chia sẻ cho gần 1200 người mắc bệnh này. Nếu ai có dịp đến đây để nhìn thấy những con người như thế chắc chắn sẽ ráng tu hành mà cố gắng không uống rượu, hút chích xì ke, ma túy hoặc bán buôn những thứ độc hại để làm cho người bị thân tàn ma dại.
Thân có mùi hôi do nhân gì?
Xưa bán hương thơm trọn dối gian.
Bán đồ giả mà chúng ta lại nói đồ thiệt để gạt người lấy tiền nhiều, người mua lầm chớ người bán có bao giờ lầm đâu. Con người ta vì siêu lợi nhuận mà tìm đủ mánh khóe để lường gạt của người. Dịch vụ quảng cáo ngày nay nhiều khi thông tin không đúng sự thật để đánh lừa thiên hạ. Trầm hương là loại hương thơm quý hiếm phải lội vào chỗ rừng sâu nước độc, nhiều khi phải ngậm ngãi tìm trầm. Trăm người đi thì chỉ có một vài người tìm được, còn đa số bị bệnh hoạn giữa chừng hoặc chết nơi rừng thiêng nước độc. Một số người vì gian tham mà mưu mô xảo quyệt, trộn hàng giả thành trầm hương thiệt bán với giá cắt cổ mổ họng, lường gạt phỉnh người mà bị quả báo vô số kiếp đọa 3 đường dữ là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Sau này nếu được làm người thì chịu quả báo thân thể hôi dơ làm mọi người không dám gần gũi. Người phật tử khi đã quy hướng ngôi Tam bảo cần phải tin sâu nhân quả, bất cứ làm việc gì đều phải suy xét kỹ càng, nếu cảm thấy không có hại cho người và vật thì nên làm.
Quả báo của sự lừa đảo và giết hại
Đời nay chết treo do nhân gì?
Kiếp trước đem dây săn bẫy thú.
Chết treo hay chết bất đắc kỳ tử hoặc chết sông, chết suối, chết khát, chết đói đều từ nhân nhiều kiếp giết hại mà ra. Khi làm người ta giết vật để ăn, đến khi hết phước họa tới thì phải chịu bị giết hại lại. Nhân quả trả vay, vay trả không có ngày cùng vì chúng sinh ăn nuốt, giết hại lẫn nhau. Chính vì vậy, đức Phật từ bi thương xót chế ra giới không được sát sinh, hại vật để ngăn ngừa chúng sinh rơi vào hố sâu tội lỗi. Ai có lòng nhân, có tình thương chân thật thì không bao giờ muốn giết hại dù nhỏ nhít như con kiến, con trùng. Chúng ta là phật tử thì chớ giết, chớ xúi bảo người khác giết hay vui vẻ khi thấy người giết. Ai muốn làm người tốt trong hiện tại và mai sau thì hãy ý thức sự khổ đau do việc giết hại gây ra mà mở rộng tấm lòng từ bi, quảng đại. Thói quen tham đắm muốn ăn ngon trong việc ăn uống làm cho nhiều người lúc nào cũng muốn tìm kiếm, giết hại bằng cách giăng bẫy lưới đánh bắt, chĩa chọt rồi vui vẻ lột da, xẻ thịt chiên xào nấu. Gia đình, cha mẹ, vợ chồng, con cái xúm lại ăn còn khen ngon đáo để, ăn trên sự đau khổ của con vật. Người phật tử nếu còn ăn mặn hãy nên mua những con vật đã bị chết hoặc thức ăn đã làm sẵn thì không bị quả báo xấu dưới nhiều hình thức, nếu có tội cũng nhẹ vì không cố ý sát sinh, hại vật.
Cô đơn cô độc do nhân gì?
Xưa thường ganh ghét hiềm mắng người.
Nóng giận là một thói quen xấu thường làm con người nhẹ thì ganh ghét tật đố, chê bai, dèm pha; nặng thì chửi mắng, đánh đập, có khi dẫn đến giết người. Vì thường hay nóng nảy, thô bạo nên bị người lánh xa, không thích gần gũi, do đó luôn sống cô đơn, cô độc, không người thân thuộc. Cha mẹ mất sớm, người thân xa lìa, chồng vợ hết duyên, bạn bè ghét bỏ, xã hội không dung, người sống như vậy chẳng khác nào loài thú hoang không nơi nương tựa. Các nhà khoa học chịu giam mình trong phòng kín một thời gian dài để nghiên cứu, phát minh nhằm phục vụ con người; người tu hành có khi chấp nhận cô độc một mình để huân tu trí tuệ mà buông xả tham-sân-si; tuy cô độc nhưng họ không cô đơn vì luôn sống với tâm thanh tịnh, sáng suốt, có ích cho nhân loại. Nhiều người tuy đang sống chung với gia đình, người thân nhưng vẫn cảm thấy cô đơn, buồn tủi vì trong lòng họ bị mặc cảm dày vò do tâm ganh ghét, tật đố. Người phật tử biết tu sẽ tuỳ duyên nương theo cuộc sống mà hay nhìn lại chính mình, dù ta có thể cô độc nhưng ta không cô đơn vì vẫn nhìn thấy từng tâm niệm tốt xấu bằng tâm thanh tịnh, sáng suốt của mình để chuyển hoá chúng.
Sét đánh, lửa thiêu do nhân gì?
Cân non, già, thiếu lòng gian xảo.
Hiện tượng bị sét đánh hay chết cháy là một sự thật, dân gian thường nói kẻ bất hiếu với cha mẹ sẽ bị trời đánh và ngày xưa những việc như thế xảy ra rất nhiều. Việc mua bán cân thiếu tính đủ, gian lận nhiều cách để chiếm đoạt của người, nặng thì bị sét đánh chết tức tưởi, nhẹ thì nghèo cùng, khốn khổ, đói khát, bệnh tật triền miên. Lòng tham con người như giếng sâu không đáy, gian manh, xảo quyệt, lường gạt đủ cách, miễn được lợi cho mình thì thôi, còn ai chịu thiệt thòi ráng chịu. Họ không biết “của trời trả đất”, tiền bạc làm ra do nhân bất chính sẽ bị 5 nhà cuốn trôi (hỏa hoạn, lũ lụt, trộm cướp, vua quan tịch thu, con cái bất hiếu, phá sản); rốt cuộc phải chịu tiếng đời bêu rếu, bị quả báo thiếu thốn, khó khăn, làm lụng vất vả quanh năm suốt tháng mà chẳng bao giờ được đủ ăn, đủ mặc. Cân thiếu là hình thức biến dạng của trộm cướp, vì muốn lợi nhuận cho mình nhiều nên nhẫn tâm gian dối, lường gạt của người; quả báo về sau bị sét đánh, lửa thiêu, vô số kiếp nghèo cùng, khốn khổ, làm lụng vất vả mà không có của dư. Người phật tử quyết sống chân thật, mua bán đong đếm đầy đủ, rõ ràng và phải ăn ngay nói thiệt vì đã tin sâu nhân quả.
Rắn cắn, cọp ăn do nhân gì?
Kiếp trước giết hại tạo oan gia.
Ngày nay, hiện tượng bị rắn cắn, cọp ăn thì ít thấy, mà các sự việc khác thường xảy ra nhiều hơn như thiên tai, sóng thần, động đất, lũ lụt, tai nạn giao thông làm vô số người chết thảm; chung quy cũng từ nhân giết hại và phá hủy môi trường mà ra. Tóm lại, kinh Nhân Quả Ba Đời đức Phật chỉ dạy muốn làm người có lòng từ bi rộng lớn trước tiên phải hiếu kính cha mẹ, sau đó quy hướng Tam bảo và ý thức sự đau khổ do giết hại gây ra. Chúng ta quyết tâm tôn trọng, bảo vệ sự sống cho tất cả muôn loài vật, không giết người và hạn chế tối đa việc giết hại các loài vật. Sự sống vô cùng quý giá, ai cũng tham sống sợ chết. Niềm vui căn bản của chúng sinh là được sống an lành, mạng sống không bị đe doạ dưới nhiều hình thức. Chúng ta biết yêu quý mạng sống của mình như thế nào thì người và loài vật khác cũng yêu quý mạng sống như vậy. Giết hại tức huỷ diệt mạng sống của chúng sinh, quả báo đền trả tương xứng như bệnh hoạn, chết yểu hoặc bị giết trở lại và cũng là nhân gây ân oán, thù hận không có ngày thôi dứt. Muốn không giết hại ta phải phóng sinh giúp người, cứu vật và ăn chay, làm lành. Tuỳ theo khả năng người phật tử sắp xếp tối thiểu mỗi tháng ăn chay 2 ngày hoặc 4 ngày, cho đến 10 ngày. Nếu ai đủ khả năng và có điều kiện thì nên ăn trường chay để mở rộng tấm lòng thương yêu bình đẳng muôn loài vật. Tương lai xã hội có được tốt đẹp hay không còn tùy thuộc vào thế hệ trẻ, nếu ai cũng có niềm tin sâu sắc về nhân quả thì con người, gia đình, xã hội sẽ biết kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống và cùng nhau vui hưởng an lạc, thái bình.
Kệ hồi hướng công đức
Chúng ta cùng niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm để hồi hướng công đức cho mọi người đều thành tựu Phật pháp nhờ tin sâu nhân quả.
Giải kinh công đức không tính kể,
Thắng phước vô biên đồng hướng về,
Nguyện khắp pháp giới các chúng sinh,
Thảy đều thể nhập vô sinh nhẫn.
Nguyện tiêu ba chướng sạch phiền não,
Nguyện được trí tuệ thật sáng ngời,
Nguyện cả tội chướng thảy tiêu trừ,
Đời đời thường hành Bồ-Tát đạo.
Nguyện đem công đức tu hành này,
Chan rải mười phương khắp tất cả,
Con và cha mẹ, ông bà,
Chúng sinh giác ngộ, cõi đời an vui.
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sinh
Đều trọn thành Phật đạo.
Nam mô Bồ tát Quán Thế Âm (108 lần)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét