Nói đến nghiệp là nói đến sự sống của ta hằng ngày, được huân tập bằng thân - miệng - ý, lâu ngày trở thành thói quen, nên nghiệp có nghiệp lành, nghiệp ác, định nghiệp và bất định nghiệp, chứ không một chiều như nhiều người thường lầm tưởng.
Phật dạy chúng sinh trong sinh tử vô minh từ vô thủy kiếp đến nay, gốc từ vô minh, do vô minh nên thấy biết và tạo nghiệp sai lầm. Biểu hiện của thấy biết sai lầm thì rất nhiều, trong đó sự thiếu sáng suốt và lòng tự mãn là biểu hiện nổi bật nhất. Đây cũng là căn bệnh trầm kha của đa phần những con người bảo thủ, sôi nổi, nhưng lại nhìn chưa xa, trông chưa rộng. Từ đó, cuộc sống của họ khung lại trong cái vị kỷ nhỏ hẹp, phiêu bồng trôi dạt theo từng bước vong thân.
Người xưa thường hay nhắc nhở chúng ta khi đối duyên tiếp cảnh đừng để tâm dính mắc. Trí tuệ chân thành thay! Chỗ này, mọi sự phô diễn đều trở thành vô vị, thô thiển. Ở đây, chiêu thuật của nhà Thiền chỉ là “tâm cảnh như như”, vào được thì sống, không vào được thì chết. Tuy nhiên cũng phải mất mấy mươi năm tương chao mới có thể thốt ra được lời “à, thì ra là vậy” trước muôn ngàn ngỗn ngang của cuộc tồn sinh nhiễu nhương này.
Thầy Phổ Giác trong quá trình đi hoang theo dòng đời, bao lần ngã xuống rồi lại đứng lên, từng bước "mãnh tỉnh" (hốt nhiên tỉnh ngộ), cũng chỉ để mong có một ngày thốt lên được hai chữ “thì ra”. Hy vọng những khám phá này của thầy, tuy không mới với các bậc thức giả đi trước, nhưng luôn là nguồn động viên và chia sẻ với bạn lứa anh em. Tôi xin chúc mừng và ghi lại đôi dòng.
Kính ghi,
Thường Chiếu, ngày 11 tháng 6 năm 2008
HT.Thích Nhật Quang (Trụ trì tổ đình Thiền viện Thường Chiếu, viện trưởng Thiền viện Trúc Lâm Trí Đức, trưởng ban quản trị Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam)
Lời giới thiệu của TT.Thích Nhật Từ
“Thấy biết sai lầm” là tuyển tập các bài giảng của ĐĐ.Thích Đạt Ma Phổ Giác trong những chuyến đi sinh hoạt tại các chùa vùng sâu, vùng xa, như một nhịp cầu chia sẻ đối với những người hữu duyên. Tập sách nhỏ này chỉ gồm 2 chương:
Chương 1: Tác giả giới thiệu nghiệp và sự sống để chia sẻ các kinh nghiệm, nhận diện mặt mũi của các hành vi, từ đó dấn thân trên con đường chuyển hóa. Tu là chuyển nghiệp. Chuyển nghiệp là quá trình nỗ lực làm cho phàm tính trong con người trở thành Thánh tính của bậc hiền. Chiếc chìa khóa vạn năng của việc này không gì khác hơn là sự quyết tâm đổi đời, làm mới lại chính mình với những chất liệu của bình yên, hạnh phúc, thịnh vượng và phát triển. Mấu chốt của việc này nằm ở chỗ khởi phát lòng tự tin chính mình, quyết tâm nỗ lực làm mới để chuyển hóa những thói quen làm tổn hại cho người vật mà sống đời an vui, hạnh phúc.
Chương 2: Tác giả giới thiệu một cách bao quát về tiến trình sự thấy biết sai lầm và quá trình nhận diện về thấy biết sai lầm như là gốc rễ của mọi trở ngại cuộc đời.
Khi tâm thức chúng ta bị nghiệp chi phối, con người thường có thói quen ứng xử với bản năng, làm cho khối tri thức trong ta bị phủ mờ. Từ đó, tình trạng biết mà cố phạm trở thành nỗi ám ảnh lương tri.
Triết lý nhà Phật với những phương pháp an tâm như một nghệ thuật thiết lập chính niệm tỉnh giác của Thiền, niệm Phật nhất tâm của Tịnh độ, tam nghiệp tương ưng của Mật tông, trì tụng kinh Vô Lượng bộ, sám hối cúng dường để chuyển nghiệp v.v…, có khả năng giúp cho đương sự rủ bỏ mọi phiền muộn, khổ đau.
Thấy biết sai lầm là đã sửa được sai lầm một nửa, phần còn lại liên hệ đến phương pháp tu tập để chuyển hóa. Tác giả đã khẳng định rằng, nhờ nương vào nhân duyên lành của Phật pháp, người sai lầm sẽ biết cách làm chủ bản thân để vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời.
Tác phẩm với ý tưởng bình dị, câu chữ mộc mạc, nhưng lại có sức truyền cảm đến người đọc, vì nó phát xuất từ những trải nghiệm thực tế của tác giả.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu và kính mời quý đọc giả hãy tự mình trải nghiệm những dòng trải nghiệm này.
Trân trọng kính ghi,
Tỳ kheo Thích Nhật Từ
Đôi lời tâm sự
Dòng đời nghiệt ngã luôn cuốn trôi và nhấn chìm tất cả, dù đó là nhân nghĩa của một con người. Trong cuộc mưu sinh nhiều gian nan, chướng ngại đã làm ngã quỵ không biết bao con người tài hoa, “khôn cũng chết, dại cũng chết”, chỉ đến sớm hay muộn mà thôi, và chỉ có người biết mới tồn tại được. Tôi được phúc duyên lớn, nhờ người mẹ đã giúp tôi làm lại cuộc đời, làm mới lại chính mình với một tình thương bao la và cao cả.
Con người, gia đình, xã hội, muôn loài và sự vật luôn có cùng nhịp sống tương quan mật thiết lẫn nhau, ai dù có tài giỏi đến đâu cũng không thể tách riêng sự cộng sinh này mà bảo tồn được mạng sống cho riêng mình.
Đường đời nhiều nỗi chông gai và hiểm trở. Tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, ăn ngon, mặc ấm đã làm cho nhiều người yếu đuối, bạc nhược, lười biếng, không tin chính mình mà bị gục ngã trước những cơn giông tố của cuộc đời.
Chính bản thân chúng tôi là người đã từng vấp ngã, và sau nhiều lần cố đứng lên nhưng không thể nào tự đứng một cách vững vàng cho được, cứ chông chênh, chồng chành, nghiêng ngã mãi. Sau đó, chúng tôi may mắn gặp được Phật pháp, đời tôi mới thật sự chuyển hóa được những khổ đau, mê lầm chấp trước tưởng chừng như không cách nào thoát khỏi.
Phật pháp chính là chiếc thuyền cứu vớt những người đang còn đắm chìm trong những dòng sông tội lỗi. Cái hay của Phật pháp là giúp chúng ta tạo nên niềm tin nơi chính mình. Từ đó, chúng ta có thể tự mình đứng lên một cách vững chắc mỗi khi vấp ngã. Người trí thì không cần nương tựa vào ai, mà tự mình phán xét tìm ra lẽ thật cuộc đời; còn người mê lầm, chưa đủ sáng suốt, chưa có niềm tin thì phải nương vào thầy lành, bạn tốt, tránh xa kẻ xấu ác thì mới có thể làm lại cuộc đời, làm mới lại chính mình.
Chúng tôi không phải là người hay ho tài giỏi gì, nhưng nhờ có chút phước duyên lành đã gieo tạo từ bao kiếp trước còn sót lại, nên nay tôi mới gặp được thầy lành, bạn tốt, dù trong đời này tôi đã từng gieo nhiều tội lỗi trong suốt thời gian dài mấy chục năm trước lúc đi tu. Vì vậy, nhà Phật đặt nặng vấn đề gieo trồng hạt giống. Khi ta gieo trồng được hạt giống thiện lành rồi thì dù trải qua trăm kiếp, ngàn đời, nó vẫn không bao giờ bị biến hoại, quả tốt sẽ trổ khi hội đủ nhân duyên, nẩy mầm và phát triển.
Mỗi người chúng ta sinh ra trong đời này đều có túc duyên khác nhau. Ai cũng có nghiệp chung, nghiệp riêng, tùy theo khả năng tạo nghiệp của mình. Cho nên, chúng ta thấy cũng đồng là cha mẹ sinh ra nhưng không ai giống ai, có người thông minh, có người đần độn, có người lành mạnh, có người khuyết tật, kẻ giàu sang, người nghèo hèn v.v… Tất cả đều có nguyên nhân sâu xa của nó.
Trong cuộc sống này, ít có người được hoàn hảo về mọi mặt, tốt xấu, hơn thua, được mất, thường lẫn lộn với nhau, rồi tùy theo nhận thức của mỗi người mà tạo ra lời nói, hành động để dẫn đến kết quả trong hiện tại. “Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”, bởi trí tuệ Bồ-tát thấy được sự tai hại của việc hưởng thụ ngũ dục quá đáng dẫn đến cố chấp, dính mắc, tạo ra oan gia trái chủ, hiềm hận, thù địch, triệt tiêu, hủy diệt lẫn nhau, làm khổ mình, khổ người.
Vì vậy mà Bồ-tát biết cách ngăn ngừa từ nhân, còn phàm phu tục tử chúng ta do vô minh che lấp không thấy được điều ấy, nên không biết ngăn ngừa, đến khi quả xấu trổ ra thì khổ lụy, buồn đau, than trời trách đất, đổ thừa cho số phận mình không tốt, hận đời đen bạc phủ phàng v.v… , rồi không tin vào nhân quả, phước báo, sẵn sàng làm điều xằng bậy, vô tình tạo thêm nhiều tội lỗi. Đến khi tan nhà nát cửa, vợ chồng ly tán, khổ đau tột cùng, muốn làm lại cuộc đời nhưng không có cơ hội tốt nữa.
Bản thân chúng tôi cũng đã từng thấy biết sai lầm như thế, chỉ biết hưởng thụ dục lạc giác quan, nên đã sẵn sàng làm tất cả những điều xấu ác để thỏa mãn những dục vọng thấp hèn. Do quan niệm sai lầm “chết là hết”, không có đời sau, không có tội phước, nên một thời tôi hành động một cách tán tận lương tâm, không chỉ đối với người ngoài, mà ngay cả với những người thân như cha mẹ, vợ con, anh chị em ruột thịt trong gia đình.
May thay, tôi có được một người mẹ giàu lòng nhân ái, tuy tôi là người con bất hiếu đã từng gây khổ đau cho bà, thế mà khi tôi gặp điều bất hạnh, khổ đau thì bà liền có mặt để an ủi, vỗ về, giúp đỡ. Bà không khác nào Bồ Tát Quán Thế Âm hiện thân trong đời. Nơi nào bất hạnh thì nơi đó có Bồ Tát Quán Thế Âm đến cứu khổ.
Nhớ lại những năm tháng khi mới xuất gia, tu học tại Thiền viện Thường Chiếu, mẹ tôi đã không quản ngại khó khăn, xa xôi cách trở, tháng nào bà cũng đến thăm tôi, chủ đích của bà là động viên, nhắc nhở tôi tu hành, bà sợ tôi không chịu tu, không nhất quyết với cuộc hành trình quay về đất Phật. Đầu năm Nhâm Thìn, bà đã ra đi theo quy luật già-bệnh-chết, để lại cho tôi chút ngậm ngùi thương xót. Nhớ lại,
Mẹ tôi khi tuổi đã già
Vẫn còn bán cháo để nuôi gia đình
Nhờ mẹ tôi biết đường tu
Nếu không có mẹ tôi giờ ra sao?
Cũng nhờ ân đức mẹ hiền
Tôi vào cửa Phật tu hành đến nay.
Chỉ vì chấp trước sai lầm
Nên tôi phải chịu khổ đau nửa đời
May nhờ có được mẹ hiền
Mà tôi nay đã khác xưa rất nhiều.
Tôi thầm cảm ơn tất cả những gì đang hiện hữu trên cuộc đời này, từ con người cho đến muôn loài, muôn vật đã cho tôi cơ hội làm mới lại cuộc đời. Thế cho nên, chúng tôi can đảm phát nguyện tu hành cho đến khi nào thành Phật mới thôi, để đền đáp công ơn của mẹ. Đó là những lời nguyện khó thực hiện, nhưng tôi quyết không để nó trở thành những lời nguyện suông vô ích. Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta không phát những lời nguyện chân chính và mãnh liệt như thế thì người tu hành cũng khó có thể thực hiện được những ước mơ, hoài bão lớn lao của mình.
Cũng vậy, tác phẩm “Nghiệp & Thấy Biết Sai Lầm” lần này ra đời, có chỉnh sửa và bổ sung đầy đủ, hoàn chỉnh nhiều hơn trước, nhằm để tự răn nhắc chính mình nhiều hơn và để an ủi, sẻ chia với những ai còn đang chìm đắm trong biển khổ sông mê, giúp họ đủ niềm tin để vươn lên vượt qua số phận tối tăm. Cuộc đời này không có gì là cố định, ta có thể thay đổi, làm mới lại chính mình, nếu ta đầy đủ ý chí và quyết tâm, dù cho ta đã lỡ tạo tội ác tày trời.
Nếu ta nói cái gì cũng cố định cả thì chúng ta có tu cũng chẳng mang lại lợi ích gì. Nhiều người vì không hiểu rõ chỗ này, nên đành chấp nhận cuộc đời như “bèo dạt mây trôi”, hay cho rằng có một đấng quyền năng ban phước, giáng hoạ, nên chấp nhận một cuộc đời đen tối, thân phận hẳm hiu với vô vàn mặc cảm tội lỗi trong quá khứ.
Người xưa cũng có quan niệm cho rằng, con người sinh ra là đã có sự an bài bởi một vận mệnh, số mệnh, định mệnh, số phận… Tất cả đều cùng một ý nghĩa là diễn tả sự định sẵn từ trước cho đời sống của mỗi con người, không thể nào thay đổi được. Cái quan niệm đó không sai đối với những người thiếu trí tuệ, chấp nhận lệ thuộc vào các đấng quyền năng như thượng đế, thần linh…, cam chịu thân phận hẳm hiu, đau khổ mà không chịu phấn đấu, thay đổi để vươn lên làm lại cuộc đời. Bởi họ nghĩ rằng, số trời đã định không thể nào thay đổi được.
Trên thực tế có đúng như vậy không? Tại sao có người được sinh ra trong một gia đình giàu có, đầy đủ tiện nghi, được ăn học đàng hoàng, đến nơi, đến chốn, có địa vị cao trong xã hội. Rồi họ cứ nghĩ rằng, số tôi đã như vậy, nên họ mặc tình gây tạo tội lỗi, không biết nhân quả là gì. Đến khi phước hết họa đến, may mắn không còn nữa, “họa vô đơn chí” nên vướng vào vòng tù tội; lúc đó, dù có ăn năn, hối hận cũng chẳng cứu kịp, mọi thứ đã có từ trước đến nay cũng từ từ đội nón ra đi. Nếu ta không biết tu thì đau khổ càng thêm chất chồng, tăng thêm oán giận, thù hằn.
Vậy làm người trong trời đất, nếu ai cũng tin theo số mệnh đã định sẵn, tất dễ sinh tâm ỷ lại, chẳng cần phấn đấu vươn lên làm mới lại chính mình, dẫn đến việc người nghèo thì ngày càng nghèo thêm, người giàu ngồi không hưởng thụ không biết làm lành, lánh dữ, mặc tình gieo tạo tội lỗi, sinh tâm tiêu cực, không làm lợi ích hay giúp đỡ sẻ chia cho một ai, mà còn tìm cách bòn rút, gạt gẫm của thiên hạ.
Trong cuộc hành trình trở về đất Phật, không phải ai cũng có khả năng để đi hết đoạn đường nhiều hầm hố, chông gai. Những ai không có ý chí cao, không đầy lòng dũng cảm thì cũng giống như người vượt sông “tấn thối lưỡng nan”, bước tới thì sợ nước cuốn trôi, đứng lại thì sợ bị nước nhấn chìm.
Phật dạy: “Không bước tới, không đứng lại, ta sẽ vượt qua tất cả”.
Không thể nhờ trời Phật
Hay thần linh thượng đế
Nếu tự mình vấp ngã
Thì chính mình đứng lên
Khi mê thì Phật độ
Khi ngộ thì tự độ
Đó là lý nhiệm mầu
Của tất cả chư Phật.
Đôi lời tâm sự chân thành xin gửi đến chư huynh đệ pháp lữ gần xa, một chút trải nghiệm bản thân, mong được kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống, để tất cả chúng ta luôn luôn vững bước trong cuộc hành trình trở về đất Phật với lòng tôn kính vô biên.
Kính ghi,
Phong Trần Cuồng Nhân
--o0o---
NGHIỆP BÁO TÁC ĐỘNG ĐẾN SỰ SỐNG CON NGƯỜI
Nói đến nghiệp là nói đến sự sống của ta hằng ngày, được huân tập bằng thân - miệng - ý, lâu ngày trở thành thói quen, nên nghiệp có nghiệp lành, nghiệp ác, định nghiệp và bất định nghiệp, chứ không một chiều như nhiều người thường lầm tưởng.
Nghiệp thiện lành là hành động tốt đẹp đem lại an vui, hạnh phúc cho tất cả chúng sinh. Nghiệp xấu ác là hành động dữ làm cho chúng sinh đau khổ. Định nghiệp là hành động tốt xấu, hay lành dữ có chủ mưu bằng ý thức, có sự tính toán cân nhắc rõ ràng tạo thành nghiệp quyết định. Bất định nghiệp là thái độ hành động tốt hay xấu, không có chủ tâm, ý thức tính toán nên thành nghiệp vô tình.
Thế cho nên, Phật dạy tùy theo bệnh của chúng sinh mà cho thuốc phù hợp với cơ thể của mọi người. Chúng ta thích làm người hiền lành, Phật chỉ dạy giữ năm điều đạo đức, ai thích làm chư thiên, Phật dạy tu thập thiện và thiền định. Ai thích giác ngộ giải thoát, Phật chỉ dạy pháp tứ đế, nhân duyên, ai thích thành Phật, Phật dạy chuyên tu hạnh Bồ tát, tùy theo khả năng tu cao hay thấp mà giải thoát cũng có nhiều từng bậc khác nhau. Đại lược, chúng ta có thể chia làm hai bậc là: Từng phần giải thoát và toàn phần giải thoát.
Từng phần giải thoát là bậc thứ nhất, tu mà còn trong luân hồi sinh tử, như chúng ta mong muốn được trở lại làm người hiền lành, đạo đức, hoặc chư thiên các cõi trời, nhưng biết chọn lựa nghiệp lành để đi trong đường tốt, hưởng phước báo an vui, hạnh phúc.
Như có người biết chọn nghiệp thiện lành tốt đẹp, nhưng lại cũng có người không biết chọn nên tạo lắm nghiệp xấu ác, vì vậy mà chịu nhiều phiền muộn, khổ đau. Những loại chúng sinh vì ngu si, mê muội nên đi trong các đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A tu la đều không biết chọn nghiệp lành, nên đi vào con đường xấu ác, chịu quả báo sa đọa, khổ đau.
Thế nên, chúng ta phải biết khi còn ở trong sáu đường luân hồi, sau khi bỏ thân này, ta muốn cho đời sống của thân sau được an lạc, hạnh phúc thì phải biết chọn lựa nghiệp thiện lành, tốt đẹp để làm và tránh không làm ba nghiệp ác, đó là gốc của sự tu hành.
Thân không giết hại, trộm cướp, tà dâm, miệng không nói dối, nói lời mắng chửi độc ác, nói lời đòn xóc hai đầu, nói lời mê hoặc để dụ dỗ, ý bớt tham lam, sân giận và si mê.
Nghiệp dẫn chúng ta đi trong luân hồi sinh tử
Nghiệp là nguyên nhân, là động lực thúc đẩy, dẫn chúng ta đi trong luân hồi sinh tử, nên rất quan trọng đối với người tu chúng ta. Vậy nghiệp là gì? Nghiệp nghĩa là hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần qua thân, miệng, ý lâu ngày trở thành thói quen. Thói quen đó có sức mạnh chi phối và sai sử lại chúng ta, cho nên gọi là nghiệp.
Phật dạy cách giữ tâm trong sạch như một tấm vải nhơ bẩn, nhiễm bụi. Nếu ta đem tấm vải ấy nhuộm lại thì vải ấy sẽ được màu nhuộm không tốt đẹp, sạch sẽ. Ngược lại, như tấm vải mới trong sạch, đem nhuộm xanh, đỏ, vàng, trắng thì tấm vải ấy sẽ được màu nhuộm tốt đẹp, sạch sẽ. Ai muốn được hiện tại và mai sau sinh cõi an lành phải như tấm vải sạch được nhuộm, và tâm chúng ta phải giữ được như vậy.
Theo tuệ giác của Thế Tôn, tâm ý ta giống như tấm vải sạch hoặc dơ, nên trong việc tu tập càng quan trọng hơn là biết giữ tâm trong sạch, nhà Thiền gọi là chăn con khỉ ý thức, kinh Pháp Cú dạy ý làm chủ các pháp, ý dẫn đầu, ý làm chủ tạo nghiệp hoặc tốt hay xấu.
Chính ta là thợ nhuộm làm chủ cuộc đời mình, ta muốn trong sạch hay nhơ bẩn là do ta, ta muốn hạnh phúc hay khổ đau đều do ta chọn lựa và quyết định, chỗ này không ai thế vào được. Ai muốn tâm mình như tấm vải trắng thì phải biết gìn giữ ý nghĩ của mình không bị hoen ố, dính đầy phiền não tham sân si.
Tấm vải ban đầu vốn trong sạch, vì ta không biết nên để nó nhuốm bụi trần dơ bẩn, nhưng ta có quyết tâm để tẩy sạch tấm vải đó không? Chính sự kiên trì, bền bỉ chuyển hóa tâm ô uế của ta theo sự hướng thiện và tu tập, khiến tâm lâu ngày trở nên thanh tịnh và trong sạch.
Như thầy cô giáo dạy học, dạy từ tháng này qua năm nọ được gọi là nghề giáo, và những người làm cùng nghề thì gọi là bạn đồng nghiệp. Nghiệp là việc làm hằng ngày của chính mình, ta làm chủ tạo tác lâu ngày thành thói quen, rồi cũng chính ta gánh chịu lấy hậu quả do nó đưa tới.
Khi tâm ta thanh tịnh, lặng lẽ, sáng trong giống như tấm vải sạch, ta tùy ý chọn màu để nhuộm theo ý muốn của mình. Ta tu tập là nhằm mục đích thay đổi, chuyển hóa, tẩy xóa và gội rửa thân tâm phiền não, tham lam, sân giận, si mê thành vô lượng an lạc, hạnh phúc và trí tuệ từ bi.
Chúng ta từ thuở sơ sinh cho đến khi khôn lớn trưởng thành, đâu có ai mắc bệnh ghiền cà phê, ghiền rượu, hay thuốc lá gì đâu, vậy mà từ khi ta biết ăn, biết học, cho tới khi già cả, đều do ta huân tập lâu ngày trở thành thói quen, nên người thì ghiền cờ bạc, người thì rượu chè be bét, người thì ghiền thuốc, kẻ thì ghiền game bạo động, người thì đam mê sắc đẹp, kẻ thì ghiền xì ke ma túy …
Vậy, nghiệp là cái chúng ta tự tạo lấy từ thân - miệng - ý, chính chúng ta làm chủ tạo thành thói quen đó, nên khi thói quen đã thuần thục rồi thì nó sẽ quay trở lại chi phối, dẫn dắt, sai sử chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta hay thường xuyên mỗi chiều đi chùa, tụng kinh, sám hối lâu ngày trở thành thói quen, lỡ hôm nào tới giờ tụng kinh mà mắc bận công việc khác không đi được, ta cảm thấy như thiếu một cái gì, làm cho ta cảm thấy ray rứt, khó chịu trong lòng, giống như có một sức mạnh thôi thúc bắt ta phải đi chùa tụng kinh.
Nghiệp dẫn chúng ta đi trong luân hồi sinh tử
Như chúng tôi tháng nào cũng đi từ thiện để giúp đỡ, sẻ chia cho những người bất hạnh tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa, tỉnh Bình Dương, thấy mọi người vui vẻ, hạnh phúc, chúng tôi cũng vui theo, cảm thấy an ổn, nhẹ nhàng. Và chúng tôi đã làm việc này trong nhiều năm qua với chút lòng thành, bằng tất cả tấm lòng “một miếng khi đói, bằng một gói khi no”.
Nhiều chú thiếu niên thấy người lớn cầm thuốc hút, nhả khói phì phà trông có vẻ oai phong lắm, nên bắt chước hút theo, thành thói quen rồi cuối cùng ghiền thuốc. Lúc ta mới tập hút thì mình làm chủ, muốn hút thì hút, không thích hút thì thôi, nhưng sau khi hút nhiều lần, lâu ngày trở thành thói quen, khi thiếu thuốc thì thấy khó chịu, ngáp, buồn, phải đi tìm mua về hút cho bằng được.
Nhớ tới vấn đề này những năm 76 đến thập niên 80, chúng tôi khi ghiền thuốc quá mà không có hút, đành phải nửa đêm đốt đèn đi kiếm dế nhũi hút cho đỡ cơn ghiền. Dế nhũi là thuốc còn dư lại lúc gần hết điếu thuốc, nó đâu còn mùi vị, có những lúc ghiền quá, chúng tôi phải uống luôn nước thuốc lào.
Giờ thì có điều kiện đi tu và buông xả những thứ đó, ngồi ngẫm lại thấy mình ngày xưa ngu si, mê muội quá chừng. Đây chỉ là thói quen đơn giản nhất của các đấng mày râu, còn nhiều thói quen khác hao tiền tốn của và tệ hại vô cùng, chúng tôi không tiện việc kể ra đây, tùy mọi người có cảm nhận riêng mà biết cách để vượt qua chúng, không thì chúng ta chấp nhận bị nó trói buộc trong vòng mờ mịt, tối tăm, để rồi suốt cuộc đời sống trong đau khổ, lầm mê không có ngày thôi dứt.
Nếu ta tập thói quen làm việc thiện lành tốt đẹp, Phật ví như người lăn trái banh lên núi, nếu lơ là một chút thì nó lăn xuống trở lại. Còn chúng ta tập thói quen làm việc xấu ác thì ta dễ dàng bị nó dẫn đi làm việc bất thiện, như người để trái banh lăn từ trên núi xuống.
Thói quen làm việc thiện rất khó gìn giữ lâu dài, nhưng thói quen làm xấu ác rất dễ làm, vì đó là bản chất của con người huân tập từ vô thủy kiếp đến nay.
Có nhiều người cứ mỗi chiều đi quán uống rượu, nên lâu ngày trở thành thói quen mà bị ghiền, tới cữ phải đi uống rượu, không đi thì cảm thấy bức rức, khó chịu, ngáp dài, ngáp dắn, như có một ma lực thôi thúc, sai khiến đi tìm bạn rượu để uống rượu, nếu không thì lờ mờ như kẻ mất hồn.
Người đi chùa sám hối tụng kinh lâu ngày tập thành thói quen tốt, gọi đó là nghiệp thiện, giúp ta ngăn ngừa tội lỗi, hiểu lời Phật dạy để tu tập, nhằm chuyển hóa những lỗi lầm mà sống an vui, hạnh phúc. Người hay đi quán uống rượu để tập thành thói quen, đó là nghiệp ác, nên đưa tới nghèo khổ, thiếu thốn, khó khăn, bệnh hoạn và say sưa, cho nên không bao giờ thông minh, sáng suốt, làm việc có ích để giúp đỡ mọi người.
Vậy, nghiệp phát xuất từ đâu? Từ thân - miệng - ý của chúng ta. Ý suy nghĩ, miệng nói năng, thân hành động tốt hay xấu là tùy theo thói quen của mọi người. Ý suy nghĩ điều thiện lành tốt đẹp là nghiệp thiện của ý, ý suy nghĩ điều xấu xa, tội lỗi là nghiệp ác của ý. Ta hay nói lời yêu thương, an ủi, giúp đỡ, sẻ chia là nghiệp thiện của miệng. Ngược lại, miệng nói lời hung dữ làm khổ người là nghiệp ác của miệng. Nếu thân biết hành động lợi ích giúp người, cứu vật, đó là nghiệp thiện của thân. Ngược lại, thân làm điều ác thì tổn hại, ảnh hưởng cho người và vật, đó là nghiệp ác của thân.
Như vậy, chính ta là chủ nhân ông của bao điều họa phúc. Nếu ta muốn đời sau được tái sinh chỗ tốt đẹp để sống đời an vui, hạnh phúc, thì ta phải biết gieo trồng phước đức, biết tạo nghiệp thiện lành thuần thục. Ngược lại, nếu ta gieo tạo nghiệp ác, làm tổn hại người vật thì sẽ bị luân hồi đến chỗ xấu, đọa ba đường dữ: địa ngục, quỷ đói, súc sinh, thọ thân thể xấu xí, chịu nhiều bất hạnh, đau khổ.
Do đó, ta phải biết khôn ngoan, sáng suốt chọn lựa nghiệp thiện lành, tốt đẹp để làm lợi ích cho chính mình, gia đình, người thân và phục vụ tốt cho xã hội. Bổn phận và trách nhiệm làm con đối với cha mẹ phải biết thương yêu, kính trọng, hiếu thảo, chăm sóc, lo lắng chu đáo việc ăn, uống, ngủ, nghỉ đàng hoàng. Mỗi khi cha mẹ có bệnh, ta phải lo thuốc thang đầy đủ, đừng để cha mẹ cô đơn, buồn tủi lúc tuổi già là mang tội bất hiếu.
Nếu chúng ta cho rằng, đi chùa để sám hối tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền mới là tu, nếu ta chỉ tu như vậy là quá ít, vì một tháng ta chỉ đến chùa một hai ngày, còn hai mấy ngày kia ta thả trôi theo dòng đời hay sao? Ta phải biết áp dụng tu trong mọi hoàn cảnh, tu ở nhà hay nơi ta làm việc và bất cứ nơi đâu, tu như vậy mới lần hồi dứt sạch phiền não.
Ngày xưa, có một ông quan nổi tiếng là liêm chính, trong sạch, nghe đồn Thiền sư Ô Sào là một vị cao tăng đắc đạo nên mới tìm đến thưa hỏi đạo lý. Khi tới nơi, ông ta thấy chỗ tu của Thiền sư Ô Sào ở tuốt trên cháng ba của một cây cổ thụ. Chỗ ngài ở giống như ổ quạ, nên người đời thường gọi Ngài là Thiền sư Ô Sào, tức Thiền sư ổ quạ. Thấy chỗ ở của Thiền sư nguy hiểm quá, ông ta mới la lên. Khi nghe vậy, Thiền sư bảo, “chính chỗ ở của quan mới thật là nguy hiểm”.
Thiền sư tuy ngồi trên cây cao thấy dường như nguy hiểm, nhưng ngài đang chuyển hóa từng tâm niệm tham, sân, si của mình trở thành vô lượng trí tuệ, từ bi, nên cuộc sống lúc nào cũng an ổn, nhẹ nhàng.
Còn làm quan đứng trước bàn dân thiên hạ, trên phải phục tùng đức vua, dưới thì phải có trách nhiệm lo cho dân chúng, nếu sơ sẩy một chút thì bị vua truất phế, nếu không giúp ích gì được cho mọi người thì bị dân tình trách móc, than oán, kêu ca.
Làm quan thì bị trên đe, dưới búa, nên khó lòng làm tốt đẹp cả hai bên, được lòng vua thì mất lòng dân chứ hiếm khi nào được cả hai, vì lòng tham lam của con người như giếng sâu không đáy. Cho nên, Thiền sư mới nói chỗ của quan đang làm việc mới thật là nguy hiểm. Nghe xong, Bạch Cư Dị chợt tỉnh, nên đê đầu tạ lễ sám hối, rồi ông đứng dưới đất nhìn lên hỏi:
“Kính bạch Hòa thượng, nghe danh Ngài đã lâu, hôm nay mới được gặp mặt, xin Hòa thượng từ bi thương xót chỉ dạy cho tôi phương pháp tu hành ngắn gọn, dễ hiểu để tôi có thể y theo đó mà hành trì.
Thiền Sư Ô Sào ở trên nói xuống:
“Không làm các việc ác
Hay làm các việc lành
Giữ tâm ý trong sạch
Đó là lời Phật dạy”.
Bạch Cư Dị nghe qua, liền cười và nói:
“Hòa thượng dạy tôi bài kệ ấy để làm gì, vì con nít tám tuổi cũng thuộc”.
Thiền sư Ô Sào nói:
“Phải, ông nói không sai, con nít tám tuổi cũng thuộc, nhưng mà ông già tám mươi tuổi làm suốt đời cũng chưa xong”.
Chúng ta tu là cốt để chuyển ba nghiệp ác của thân, miệng, ý trở thành ba nghiệp thiện lành, tốt đẹp.
Bài kệ trên ai vừa nghe qua tưởng là dễ nhớ và rất dễ thực hành, nhưng trên thực tế, khi đi vào kinh nghiệm tu hành thì không đơn giản và dễ dàng như vậy, vì chúng ta tình thức mênh mang, chủng tử tập khí sâu dày.
Từ vô thủy kiếp, chúng ta đã huân tập không biết bao nhiêu là thói quen tốt xấu lẫn lộn, vừa bỏ được thói xấu này để phát huy điều tốt nọ, thì lại có dư tập khí xấu khác đang ngủ ngầm trong ta, và vì thế ta cứ sai lầm mãi có khi đi suốt cuộc đời cũng chưa xong, tâm ta vẫn còn lăng xăng, lộn xộn, bất an hoài, hết theo cái này lại bám cái kia, nào là tiền tài, sắc đẹp, lợi danh, nhà cao cửa rộng, ăn sung mặc ấm, ngủ nhiều, nghĩ chuyện này chưa hết lại đến chuyện kia, cứ thế mà không có phút giây nào dứt suy nghĩ.
Cho nên, người biết tu là luôn khôn ngoan, sáng suốt, quay nhìn lại chính mình, dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, rỗi rảnh hay bận rộn, giàu sang hay nghèo hèn, nếu ta biết cách vẫn cũng có thể tu được. Trước tiên, ta phải quyết chí dừng nghiệp xấu ác, rồi ta tùy theo hoàn cảnh mà ra công giúp đỡ người nghèo khổ, người không có tiền thì giúp bằng tấm lòng, an ủi sẻ chia, kẻ giàu có thì giúp người bằng tiền của, vật chất. Tu chính là nền tảng vững chắc để ta xây dựng cuộc đời hiện tại được vui tươi, đẹp đẽ hơn, và tạo cơ hội cho đời sau càng được vuông tròn, tốt đẹp, hoàn chỉnh về mọi mặt.
Muốn vậy, ta phải biết tu từ tâm ý của mình và trọn đời cố gắng tránh tất cả các điều ác, hay làm tất cả các việc lành. Đạo Phật được coi là đạo cứu khổ ban vui, là chỉ cho mọi người con đường hướng thiện để chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
Điều quan trọng hơn hết là khi ta hiểu được Phật pháp, biết rõ con đường đưa tới an lạc dài lâu thì ta phải cố gắng bền bỉ duy trì, thực hiện cho đến khi nào được mới thôi. Còn nếu chúng ta biết rõ con đường thiện lành đưa tới an lạc, hạnh phúc mà ta chẳng chịu tu, cứ một bề cầu khẩn, van xin thì biết đến khi nào mới hết phiền não, khổ đau.
Người khôn ngoan, sáng suốt sẽ chọn cho mình con đường lành để sống đời an vui, hạnh phúc trong hiện tại và mai sau. Đó là then chốt của việc tu hành ngay từ ý nghĩ của mình, rồi phát ra lời nói và dẫn đến hành động mà chúng ta cần phải biết rõ ràng để tu hành cho được lợi lạc ngay trong giờ phút hiện tại. Khi thấy ai nghèo khó ta biết khởi nghĩ thương kính, quý trọng bậc hiền đức, tìm cách giúp đỡ người khốn khổ, bất hạnh qua cơn thiếu thốn, khó khăn.
Về ý nghiệp có phần vi tế hơn, với người khéo tu sẽ nhìn thấy rõ ràng từng vọng niệm của mình, nó như thế nào ta biết rõ như thế đó, thì vọng niệm tự tan, đây là cách tu của người đã nhận ra chân tâm trong sạch và sáng suốt. Như khi đang ngồi chơi hay đi, hoặc làm việc, khởi nghĩ buồn, ghét, giận người, biết đó là ý xấu, làm tổn hại tâm ta nên liền dừng lại, không cho nó chạy theo.
Đó là ta biết chuyển nghiệp ý ác thành nghiệp ý thiện, giúp người, cứu vật. Khi đi đường, gặp người già yếu đi đứng khó khăn, ta đến an ủi, động viên, chia sẻ, nhường lối đi, nhường chỗ ngồi, đưa qua đường, bưng xách nặng dùm người. Đó là ta biết tu thân, miệng thiện, tu trong công ăn việc làm, tu ngoài đường, tu ngoài chợ và tu trong mọi hoàn cảnh.
Còn nghiệp lành cũng vậy, giả sử chúng ta đi đường gặp người bệnh tật đang nằm rên rỉ bên đường, chúng ta khởi lòng thương đem họ vô lề đường rồi kêu xe chở tới bệnh viện để chữa trị. Tuy nhiên, Phật dạy nghiệp là cái không thật, vì nó không cố định có thể thay đổi được.
Như vậy, tình thương đối với con người không hình dáng, tướng mạo cụ thể. Nhưng khi theo nó thì ta tạo nghiệp lành, thân-miệng-ý nói, làm lợi ích cho người. Cái gốc tạo nghiệp ác hay nghiệp lành bản chất của nó tuy không có thật, nhưng khi ta theo nó thì sẽ tạo thành nghiệp lành hay nghiệp dữ. Nhưng khi tạo nghiệp thì mắt thấy, tai nghe, thân cảm thọ, chủng tử nghiệp đã chứa vào tàng thức rồi, khi hội đủ nhân duyên thì sẽ cho ra kết quả.
Qua câu chuyện trên, ta biết ông quan này là một nhà thơ, nên có học lóm đôi chút Thiền ngữ. Ông ta cứ ngỡ rằng Thiền sư là phải dùng ngôn ngữ sống để khai thị, nào ngờ chỉ là bài kệ thông thường, nên ông ta khinh khỉnh nói rằng, “Hòa thượng dạy con bài kệ con nít tám tuổi cũng thuộc”.
Ông quan này mới học hiểu đôi chút liền tự hào hãnh diện, cho rằng Thiền sư thứ thiệt thì phải nói Thiền ngữ để chỉ dạy. Thiền sư biết ông quan này tình thức mênh mông, chủng tử tập khí sâu dày, nên chỉ cho ông bài kệ tóm lược lời Phật dạy, “không làm việc ác, lại làm việc lành, giữ tâm ý trong sạch”, thì ngay nơi đó là Niết Bàn, vô sinh.
Nhưng muốn làm được như bài kệ trên thì cả một đời cũng chưa chắc đã xong. Như chúng tôi là người đã từng tu học ở trong Thiền viện nhiều năm, không phải bận bịu, lo lắng việc đời mà việc tu còn trầy da, tróc vẩy, huống gì người thế gian. Còn ông quan này, trên bị đe dưới bị búa, làm sai một chút liền bị vua truất phế, được lòng dân mà trúng ông vua mê muội thì cũng tiêu đời nhà ma luôn.
Thiền ngữ thường dùng để đối chất các vị đã có quá trình công phu miên mật, đang kề cận bên bờ giải thoát, nên Thiền sư dùng để phá chấp và kiểm nghiệm sự tu hành của người kia coi có phải là thứ thiệt hay không? Nếu là thứ thiệt thì gươm bén kề cổ cũng chẳng sao, vì thân này đã không thật huống hồ là cái đầu, đó là lời của tổ Sư tử nói khi bị vua hành quyết.
Còn chúng ta là những phàm phu tục tử còn bận rộn chuyện gia đình, xã hội nên phải thứ lớp tu hành. Trước tiên, ta phải làm được một người bình thường, kế đến là người hiền, rồi đến người Thánh, và sau đó mới khởi nguyện hành Bồ tát đạo cho đến khi thành Phật viên mãn mới thôi. Trong chúng ta hiện giờ có ai không còn khởi nghĩ, nói năng và hành động hết việc ác chưa? Nội các việc ác mà chúng ta còn chưa hết, thì thử hỏi làm sao làm việc lành trọn vẹn cho được. Chúng ta hãy nên chín chắn suy nghĩ cho kỹ, tùy theo khả năng, hoàn cảnh mà cố gắng ứng dụng tu hành cho được lợi lạc trong hiện tại và mai sau.
Tóm lại, những gì hại người trong hiện tại và mai sau là việc ác như sát sinh, hại vật, gian tham, trộm cướp, lường gạt bằng nhiều hình thức, dan díu ngoại tình, phá hoại hạnh phúc gia đình người và làm ảnh hưởng gia đình mình, nói dối hại người, uống rượu say sưa, dùng các chất độc hại đưa vào cơ thể như xì ke, ma túy…
Ngược lại, không giết hại mà còn hay giúp người, cứu vật, phóng sinh, biết bố thí cúng dường cha mẹ, người tu hành chân chính, lại hay giúp đỡ, san sẻ với người bần cùng, cô độc, nâng đỡ kẻ bất hạnh, sống thủy chung một vợ một chồng và luôn nói lời chân thật, luôn nghiên cứu học hỏi, thương yêu bình đẳng với tất cả mọi người bằng trái tim hiểu biết với tấm lòng vô ngã, vị tha.
Còn nữa...
Còn nữa...
Phong Trần Cuồng Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét