. Chuyển tâm một chỗ việc gì cũng xong (kinh Lương Hoàng Sám)
10 happy-vesak-day-illustration

Vui thay Đức Phật ra đời. Cõi người an lạc, Cõi Trời hân hoan!

.ĐẠO PHẬT LẤY SỰ DIỄN LÝ, CHO NÊN Ý NGHĨA RẤT THÂM SÂU. NGƯỜI NGOÀI CHƯA HIỂU CHỚ VỘI BÌNH XÉT. RIÊNG NGƯỜI CON PHẬT THÌ CẦN PHẢI PHƯỚC HUỆ SONG TU ĐỂ HIỂU CHO THẤU ĐÁO. "....TỨ HOẰNG THỆ NGUYỆN : Chúng sanh vô biên - thệ nguyện độ. Phiền não vô tận - thệ nguyện đoạn. Pháp môn vô lượng - thệ nguyện học. Phật đạo vô thượng - thệ nguyện thành.

PHƯỚC HUỆ SONG TU

 


.Tinh tấn ngăn ngừa những điều ác chưa phát sinh. Tinh tấn dứt trừ những điều ác đã phát sinh. Tinh tấn phát triển những điều lành chưa phát sinh. Tinh tấn tiếp tục phát triển những điều lành đã phát sinh. "

Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

NHÂN QUẢ VÀ SỐ PHẬN CON NGƯỜI ( P 3 )





Giáo lý nhân quả rất quan trọng và thiết thực, người phật tử chân chính cần phải am tường, thấu rõ và tin tưởng vào nhân quả để hành trì tu tập, dấn thân làm việc phục vụ tha nhân không biết mệt mỏi, nhàm chán bằng trái tim hiểu biết. Còn khi gặp chướng duyên nghịch cảnh đến thì ta phải biết tự an ủi, tự tu tập để chuyển hóa mà vượt qua những bất hạnh trong cuộc đời.

Nhân quả có thể thay đổi được tùy theo sự quyết tâm của con người

Nói đến nhân quả là nói đến sự tương quan, tương duyên mật thiết với nhau bằng những hành động do chúng ta làm ra. Làm lành được hưởng phước báo an vui hạnh phúc, làm ác phải chịu quả khổ đau vô cùng tận, đó là một sự thật công bằng, chúng ta có thể qua mặt được pháp luật, nhưng không thể chạy trốn tòa án nhân quả được khi hội đủ nhân duyên.

Trong kinh A-hàm, đức Phật đưa ra ví dụ rất hay: “Có một nắm muối, nếu ta bỏ vào ly nước nhỏ thì ly nước ấy sẽ bị mặn, ta không thể uống được. Cũng cùng một nắm muối đó, nếu ta bỏ vào một lu nước lớn, tuy có nắm muối hòa tan nhưng vì nước trong lu quá nhiều, cho nên nước hơi măn mẳn ta có thể dùng xài hoặc giải khát tạm thời được. Cũng cùng một nắm muối đó, ta đem bỏ vào một hồ lớn, tuy có nắm muối bỏ vào, nhưng nước trong hồ quá nhiều, vì vậy nắm muối không thể chi phối được, do đó ta có thể dùng xài bình thường. 

Nhà Phật dụ cho nắm muối là nghiệp xấu ác, còn nước là nghiệp thiện lành và khả năng tu tập của mỗi người. Tuy trong nhà Phật có nói rằng, gieo nhân nào gặt quả nấy, nhưng nhân quả do hành động của mình tạo ra từ thân, miệng, ý thì cũng từ chính mình ta có thể thay đổi, chuyển hóa được.

Cũng như trước kia, lúc còn nhỏ, quý vị chưa biết hút thuốc, uống rượu, cờ bạc… đến khi lớn lên, hòa vào đời sống cộng đồng, quý vị thấy người ta làm điều đó, rồi quý vị bắt chước một vài lần nếu ai chịu tiếp tục huân tập một thời gian thì quý vị cũng biết hút thuốc, biết uống rượu, biết cờ bạc như ai vậy.

Rồi thời gian trôi qua theo năm tháng, quý vị có duyên được đến chùa học hỏi, nghe pháp biết tu tập, quý vị thấy rằng đây là những nghiệp tập không tốt đẹp, hao tiền tốn của và dẫn đến bệnh tật, đau yếu… làm cho vợ con, người thân trong gia đình lo âu, sợ hãi làm giảm đi niềm an vui hạnh phúc.

Khi chúng ta biết rõ đây là những tập nghiệp xấu thì từ đó ta ý thức biết được sự tác hại của nó, quý vị tự từ bỏ chứ không phải ai ép ta bỏ được. Nếu như quý vị không tự ý thức, không chịu từ bỏ thì dù cho đức Phật hiện tiền cũng không thể nào giúp cho quý vị bỏ được.

Nắm muối bỏ vào ly nước là đức Phật dụ cho nhân nào quả nấy để ám chỉ cho hạng người buông trôi theo số phận, chẳng chịu cố gắng làm lại cuộc đời vì nghĩ rằng số tôi như thế mà chấp nhận sống trong đau khổ lầm mê.

Nắm muối bỏ vào lu nước lớn là dụ cho người đã cố gắng thay đổi bỏ bớt, nhưng không bỏ được hoàn toàn dù sao cũng đỡ hơn hạng người trước.

Hạng người thứ ba là hạng người hoàn toàn chuyển nghiệp xấu ác do biết tu thân, tu giới và tu tâm niệm rộng lớn cho nên đức Phật dụ cho nắm muối bỏ vào một hồ nước lớn.

Khi chúng ta tự ý thức được rằng, đây là việc làm sai trái có hại cho người và vật, thì tự mình can đảm buông xả hoặc từ bỏ là do ý chí của ta mạnh mẽ, thấy được việc làm sai trái mà mình dạn từ bỏ. Và ta nếu muốn từ bỏ vững chắc và lâu dài không bị tái phạm trở lại nữa, thì ta phải phát nguyện tu theo con đường Phật đạo, gìn giữ năm điều đạo đức, đời đời kiếp kiếp quyết tâm không tái phạm lỗi lầm xưa và dứt khoát không chuyện xấu đó nữa vì biết được sự tác hại của nó.

Chúng ta hãy thường xuyên suy xét và kiểm soát chặt chẽ từ ý nghĩ, lời nói cho đến hành động mà có hại cho mình và cho người thì ta nhất quyết không làm. Còn những gì mà ta thấy có lợi cho mình và người thì ta cố gắng làm không bỏ qua, dù cho đó là một việc rất nhỏ.

Nhờ tâm phát nguyện rộng lớn như thế, ta sẽ vượt qua được những chướng duyên nghịch cảnh trong cuộc đời. Vì sao? Vì theo đạo lý nhà Phật, ai sinh ra trong cõi đời này hầu như không ít thì nhiều, từ lớn đến nhỏ dù không làm ác nhiều cũng làm ác ít. Bởi vì chúng ta chưa có sự hiểu biết chân chính, chưa có lòng tin nhân quả vững chắc, do đó chắc chắn ai cũng có sai lầm.

Ngày nay, chúng ta may mắn gặp được thầy lành bạn tốt có đầy đủ phúc duyên, tuy điều kiện của chúng ta không được tốt đẹp trọn vẹn như người khác. Nhưng ta không có gì phải buồn phiền, khổ đau, trách móc, đổ thừa tại bị thì là… Bởi vì chúng ta biết Phật pháp, biết thực hành những lời Phật dạy, biết rõ nhân nào dẫn đến sa đọa khổ đau, nhân nào dẫn đến an vui, hạnh phúc. 

Nhờ vậy, chúng ta cố gắng dứt khoát chừa bỏ thói hư, tật xấu ngay cả trong ý nghĩ và thường xuyên tu tập mỗi ngày để soi sáng lại chính mình. Nếu ta chưa đủ khả năng tu tập về thiền quán, thiền trực chỉ thì ta cố gắng tu tập theo phương pháp niệm Phật, Bồ tát tức là ta nương theo câu niệm Phật để cho tâm không bị tán loạn (niệm danh hiệu vị Phật nào mà ta thích).

Thí dụ, ta thích đức Phật Thích Ca Mâu Ni thì ta niệm Phật Thích Ca Mâu Ni, ta thích Phật A-di-đà ta niệm Phật A-Di-Đà, nếu ta thích Bồ-tát Quán Thế Âm thì ta niệm Bồ-tát Quán Thế Âm… Bất cứ danh hiệu Phật nào, danh hiệu Bồ-tát nào nếu ta nhiếp tâm, trì chí hướng về đức Phật đó, để tự chiêm nghiệm, soi sáng thì ta sẽ vượt qua những chướng nạn, tai ương trong cuộc đời. Tuy thân này phải chịu quả đau khổ, nhức nhối, bệnh hoạn, đau yếu… nhưng tâm ta vẫn trong trong sáng lặng lẽ chiếu soi. Thân này tuy đau, nhưng tâm ta thường biết rõ ràng nên ta luôn được bình yên, hạnh phúc.

Khi đau ta biết thân này đau vì nghiệp tập nhiều đời nhiều kiếp mình đã gieo tạo trong quá khứ, nay ta biết được hậu quả của nó làm cho mình người khổ đau, thì ta nhất quyết không để cho tái phạm nữa, đến khi hội đủ nhân duyên thì nghiệp xấu sẻ hết. Nhờ vào sự tinh cần tu tập, mà ta chuyển hóa được nỗi khổ niềm đau, vươn lên và vượt qua cạm bẫy cuộc đời.

Theo định luật nhân quả thì có vay ắt phải có trả hay “gieo gió gặt bão”. Nếu nói một cách cứng ngắt như vậy, vô tình chúng ta cho rằng luật nhân quả là cố định, là bất biến, điều đó chỉ đúng một phần, chưa đúng hẳn. Vì sao? Nó chỉ đúng đối với những hạng người bèo dạt mây trôi, không đủ ý chí và nghị lực để buông xả thói quen xấu của mình.

Thế cho nên lý nhân quả rất tế nhị và sâu kín nhiệm mầu chúng ta thường nghe nói nhân nào quả nấy, trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, ai nói như vậy là người chưa hiểu thấu lý nhân quả. Đạo Phật nói lý nhân quả là một chuỗi dài thời gian mang tính cách ba thời: quá khứ, hiện tại và vị lai. Khi ta gieo nhân phải trải qua một thời gian nhất định nào đó, nhanh hay chậm là tùy theo những duyên phụ thuộc mới cho ra kết quả.

1. Nhân nào quả nấy hay còn gọi là hiện báo gieo nhân liền gặt quả như người đói bụng ăn cơm liền no, đó là nhân quả hiện tiền. Vừa gieo nhân là có kết quả liền. Vì vậy mà người ta dễ hiểu lầm vấn đề nhân quả với số phận, nó chỉ đúng và phù hợp với hạng người bèo dạt mây trôi, không chịu cố gắng vươn lên làm lại cuộc đời. Hạng người này không cần tìm hiểu, suy xét, quán chiếu chỉ sống theo phong tục tập quán, ai như thế nào mình như thế đó.

2. Khi gieo nhân thì phải chờ thời gian mới cho ra kết quả. Thí dụ, muốn có trái mít ăn, ta phải có một hột mít trồng xuống đất, rồi phải chờ đến ba bốn năm sau mới có trái mít, nhưng nếu thiếu sự chăm sóc, hay thời tiết không phù hợp, chưa chắc ta đã có trái mít. Biết như vậy, chúng ta có thể thay đổi hoàn cảnh mà tạo ra kết quả sai biệt, không nhất thiết phải nhân nào quả nấy.

3. Trong thời gian tu học tại thiền viện Thường Chiếu, chúng tôi thường nghe sư ông nói “nhân hoa quả cỏ”. Bởi vì sư ông đem gieo hạt giống của hoa nhưng do khâu chăm sóc không chu đáo bị kiến tha hạt giống hoa đi mất. Một thời gian sau sư ông chỉ thấy cỏ mọc đầy chẳng có hoa nào cả. Trong lúc đó sư ông chúng tôi cứ miệt mài tưới hằng ngày, kết quả cỏ lên rất tốt, sư ông chúng tôi tưởng đó là những cây hoa đang phát triển, nào ngờ khi kiểm tra lại thì toàn là cỏ.

Như vậy, nói nhân nào quả nấy thì không đúng hẳn, tùy theo điều kiện, nhân duyên mà nó cho ra kết quả. Chúng ta không thể nói một chiều nhân nào quả nấy một cách cứng ngắt như vậy được. Nếu nói nhân nào quả nấy thì những người tu hành như chúng tôi có lợi ích chi đâu?

Xưa kia lỡ tạo nhân ác thì ngày nay dù có tu hành vẫn chịu quả ác, vậy tu hành để làm gì? Khi hiểu như vậy rồi, chúng ta sẽ cố gắng làm mới lại chính mình, bằng những việc làm thiết thực có lợi ích cho người và vật. Khi xưa ta chưa biết tu, thì ta gieo nghiệp lường gạt, trộm cướp làm khổ đau cho mọi người. Nay ta biết tu rồi, nhờ quán chiếu xem xét ta thấy đó là nhân dẫn đến đau khổ mê lầm, làm tổn hại cho nhau, dứt khoát ta không làm nghiệp trộm cướp nữa thì ngay nơi đây nhân và xấu bắt đầu chấm dứt.

Như chúng ta đang chạy xe với tốc độ nhanh khi thắng gấp lại thì cái chớn của nó cũng xa hơn xe chạy tốc độ chậm, cũng vậy ai tạo thói xấu nhiều cũng chậm hơn người bình thường. Những người xuất gia tu hành thọ dụng vật thực, của đàn-na tín thí, nhờ sự giúp đỡ của phật tử về phương tiện vật chất, tiền bạc của cải.

Như vậy, chúng tôi có phải trả món nợ nhân quả này hay không? Nếu chúng ta cứ khẳng định nhân nào quả nấy, vay tiền trả tiền, vay bạc trả bạc, thì chắc chắn người xuất gia không thể trả nợ được.

Vì sao, người xuất gia tu hành, thọ nhận sự cúng dường của đàn-na tín thí nhưng họ trả những món nợ vật chất ấy bằng hình thức khác. Người xuất gia tu hành thọ nhận sự cúng dường của đàn-na tín thí, họ phải trả món nợ ấy bằng sự tu hành chân chính, hóa độ chúng sinh, truyền bá lời dạy của đức Phật, chỉ cho mọi người biết được nhân nào dẫn an vui hạnh phúc, nhân nào dẫn đến sa đọa khổ đau, thì coi như trả cái nợ cơm áo gạo tiền.

Bởi tiền bạc của cải quý phật tử giúp cho tăng ni ăn thì hết, còn chúng tôi hướng dẫn chỉ dạy cách sống làm người tốt không làm tổn hại cho ai thì coi như chúng tôi đã trả nợ rồi. Chỉ sợ những ai không chịu tu hành đàng hoàng rồi giáo hóa chúng sinh mới phải chịu mang lông đội sừng mà thôi.

Tiền bạc quý phật tử giúp ăn năm ba tháng thì hết hoặc nhiều lắm được vài ba năm là cùng, chứ chính pháp của Phật đà trao lại, quý phật tử có thể ứng dụng cả đời cũng chưa hết, còn thừa làm hành trang mang đến sử dụng ở kiếp sau. Vì vậy trong các bản kinh đức Phật thường hay nói, trong các hạnh bố thí, bố thí chính pháp là thù thắng hơn tất cả, vì giúp cho mọi người được an vui hạnh phúc trong hiện tại và mai sau.

Thí dụ, như người mới sinh ra bị bệnh hoạn tàn tật suốt đời là do kiếp trước gieo nhân đánh đập hành hạ chúng sinh, cho nên ngày hôm nay phải chịu nhận hậu quả khổ đau như thế.

Đời này tạo nhân xấu, đời sau mới chịu quả báo, điển hình như câu chuyện tiền thân của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trong một kiếp quá khứ, trong lúc vui chơi, Ngài cầm cây gõ vào đầu con cá ba cái, vậy mà đến khi thành Phật rồi Ngài vẫn phải chịu quả báo nhức đầu ba ngày.

Vì thế, nhân quả theo ta như bóng với hình dù trăm kiếp ngàn đời vẫn không bao giờ bị mất. Chúng ta có thể qua mặt được luật pháp của thế gian, nhưng không thể nào trốn tránh quá trình diễn biến của nhân quả. Người biết tu khi gặp quả xấu đến thì không đổ thừa tại, bị, thì, là… gì hết, mà luôn biết rằng, tất cả đều do nhân xấu của mình tạo khi trước nhờ vậy ta chỉ cố gắng tu hành thì từ từ quả xấu đó sẽ hết.

Do đó, tất cả quả tốt hay xấu mà chúng ta đang thọ nhận ngày hôm nay, gốc từ chủng nhân ta đã gieo trồng từ thuở trước. Cho dù ta có tu thành Phật đi nữa vẫn phải chịu quả báo nhiều đời còn sót lại, chỉ có điều người tu hành chân chính khi quả xấu đến, chấp nhận chịu mà không oán than, trách móc một ai, cho nên an nhiên tự tại.

Không lầm nhân quả

Để chứng minh cho nhân quả rất thiết thực, lợi ích cho tất cả mọi người, chúng ta nghe câu chuyện sau đây và cùng nhau suy gẫm:

Trong pháp hội nọ, Tổ Bá Trượng sau khi giảng pháp xong, mọi người đều ra về hết, riêng chỉ còn lại một ông già không chịu ra về. Ông già dáng vẻ trầm ngâm, đi đi lại lại, thân hình trông giống nửa người, nửa thú. Người không ra người, mà thú cũng chẳng phải thú.

Tổ thấy lạ bèn hỏi:

Ông là người gì?

Ông già trả lời:

Kính bạch Hòa thượng, con không phải là người, con là kiếp hồ tinh tức là người mang kiếp chồn. Xưa kia thời Phật Đại Ca-diếp, con tu hành ở núi này. Một hôm, có người hỏi con: “Bậc đại tu hành có rơi vào nhân quả không?”. Con trả lời: “Bậc đại tu hành không còn rơi vào nhân quả nữa”, vì câu trả lời này mà từ xưa đến nay, con bị đọa làm chồn đến gần 500 kiếp. Không biết con trả lời sai chỗ nào, mà bị đọa lạc như vậy. Kính mong Hòa thượng từ bi thương xót chỉ dạy cho con.

Tổ Bá Trượng mới bảo:

Vậy ông hỏi lại ta đi!

Ông nhanh nhẹn thưa:

Bạch Hòa thượng, bậc đại tu hành có rời vào nhân quả không?

Tổ Bá Trương trả lời:

Không lầm nhân quả!

Xin thưa với tất cả quý vị, câu trả lời “Không rơi vào nhân quả” và câu “Không lầm nhân quả”, quý vị tự suy nghĩ xem câu nào đúng, câu nào sai? Ở đây vị tăng kia lầm chấp rằng, bậc đại tu hành không còn rơi vào nhân quả nữa, có nghĩa là người tu tập được giác ngộ giải thoát sẽ không còn trả quả nữa.

Chính đức Phật khi còn tại thế vẫn phải trả quả xấu rất nhiều lần, như bị mạng ăn lúa ngựa, bị đá lăn trúng chảy máu chân, bị người con gái giả bụng bầu lăng nhục, bị bọn ác giết người và chôn trong tịnh xá rồi đổ thừa cho Phật. Nhưng đức Phật vẫn bình tĩnh an nhiên, tự tại không cần đính chính phân bua mà để cho vua quan tự tìm ra sự thật.

Nhà Phật chủ trương nhân quả rõ ràng, còn vị tăng này do không tu hành tới nơi tới chốn nên trả lời không còn rơi vào nhân quả, do vậy mà bị đọa lạc đến 500 kiếp làm chồn. Sau khi nghe tổ Bá Trượng khai thị, ông già đại ngộ liền thoát được kiếp chồn.

Sau đó ông thưa rằng:

Bạch Hòa thượng, nhờ lòng từ bi khai thị của Ngài, mà nay con đã được thoát khỏi kiếp chồn. Con kính xin Hòa thượng làm lễ tống táng trà-tỳ cho con giống như một vị tăng.

Hòa thượng đồng ý gật đầu, nói xong ông già liền biến mất. Sắp đến giờ cơm trưa, Tổ đánh trống thông báo với đại chúng rằng:

Sau khi dùng cơm trưa xong, tất cả đại chúng hãy cùng ta làm lễ trà-tỳ cho một vị tăng vừa mới thoát kiếp.

Cả đại chúng đều ngơ ngác, ngạc nhiên bởi mọi người thấy trong nhà Niết bàn, hay nhà bệnh không có người nào bị bệnh hay chết cả, tại sao Hòa thượng lại nói làm lễ trà-tỳ như vậy.

Sau khi dùng cơm xong, Tổ bảo đại chúng cùng đi ra phía sau núi, Ngài lấy cây gậy khều trong hang ra xác một con chồn to tướng vừa mới chết, rồi cử hành lễ trà-tỳ tống táng trang nghiêm, long trọng như một vị tăng.

Đức Phật vẫn trả quả nhưng tâm không động

Như quý vị đã biết, nhà Phật chỉ cho chúng ta thấy biết rõ ràng, tất cả mọi hiện tượng sự vật trên cuộc đời này đều phải trải qua tiến trình của nhân duyên quả. Chỉ vì chúng ta không gặp được bậc minh sư chân chính, không gặp được thầy lành bạn tốt và tu hành không tới nơi tới chốn, cho nên hiểu sai lời Phật dạy. Như vị tăng kia vì nhập si định cho nên không còn cảm giác, tưởng rằng như vậy là không còn trả quả nữa mới trả lời như thế, mà bị đọa làm chồn đến 500 kiếp, mãi cho đến khi được Thiền sư Bá Trượng từ bi khai thị, vị tăng kia mới thoát khỏi được kiếp chồn.

Vì vậy, là người phật tử chân chính chúng ta phải học hỏi tìm hiểu giáo lý cho kỹ càng thấu đáo, sau khi có trải nghiệm và ứng dụng lợi lạc trong cuộc sống bằng cách tin sâu nhân quả. Nếu chúng ta thực tâm tu hành theo lời Phật dạy thì mọi nghiệp xấu sẽ được chuyển hóa theo thời gian, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được bình an, hạnh phúc trong hiện tại và mai sau.

Như trường hợp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn tại thế, sau khi thành tựu đạo pháp, Ngài đi giáo hóa suốt bốn mươi chín năm không biết mệt mỏi, nhàm chán. Ngài thường nói: “Ta chỉ là người thầy dẫn đường chỉ dạy cho mọi người biết được điều hay lẽ phải, còn làm được hay không là do chính mình quyết định”. Ta không thể ban phước hay giáng họa cho một ai, dù đó là cha mẹ của ta.

Ta không thể giúp cho ai thoát khỏi phiền muộn khổ đau, nhưng ta có thể hướng dẫn phương pháp chuyển hóa nỗi khổ niềm đau, đem lại an vui, hạnh phúc cho mọi người biết để thực hành. Bởi vì khi xưa ta chưa biết tu nên làm điều xấu ác thì phải chịu quả báo xấu ác, ngày nay nhờ gặp Phật pháp ta cố gắng buông xả những thói quen xấu ác và hay làm điều thiện lành tốt đẹp thì chuyển được quả xấu và sống hạnh phúc.

Chính vì vậy suốt thời gian đức Phật đi giáo hóa, độ sinh một số người ngoại đạo do ganh ghét, tật đố, tị hiềm với Ngài. Bởi đạo Phật là đạo của tình thương và sự tỉnh thức, là đạo của con người, vì con người mà thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau bằng trái tim hiểu biết. Họ thấy những lời dạy của đức Phật rất thiết thực và phù hợp với con người, từ đó họ chuyển sang tu theo đạo Phật rất đông vì biết cách làm chủ bản thân để vượt qua số phận tối tăm, mà đấng bề trên đã áp đặt và định đoạt.

Trước tình trạng đó, một số ngoại đạo bị mất quyền lợi vì đệ tử của họ càng ngày càng thưa thớt, cho nên họ tìm cách phỉ báng, vu khống để làm cho giáo đoàn của Phật bị mất uy tín. Họ hại Ngài bằng nhiều cách, như họ sắp xếp cho một thiếu nữ đẹp, hằng ngày đến Tịnh xá nghe Phật thuyết pháp, sau một thời gian, cô vu khống đức Phật đã dụ dỗ cô làm chuyện xấu xa, tồi bại đến nỗi phải mang bầu.

Hôm đó cô độn bụng bầu giả và đến trong lúc đức Phật đang thuyết pháp, cô khóc lóc la lối ôm sòm trước mặt mọi người, sa môn Cồ đàm đã dụ dỗ tôi, giờ đây tôi bụng mang dạ chửa như thế này mà không có ai nuôi nấng thật là khổ thân tôi quá trời. Nhưng trời xui đất khiến trong lúc cô diễn kịch như thế bổng dưng bụng bầu giả tuột ra, cô hoảng hồn bỏ chạy mất tiêu. Mọi người đều thở phào nhẹ nhõm và càng tin sâu Phật pháp hơn.

Hại cách này không được, họ tìm cách khác, với tâm oán hận, thù hằn, họ tìm cách trả đũa đức Phật cho bằng được. Dã man hơn, họ thuê bọn côn đồ nghiện rượu giết chết người nữ nọ và đem xác chôn giấu vào Tịnh xá của Phật, rồi cho người đến báo vua quan rằng: “Chúng tôi có một người nữ ngoan đạo, thường xuyên đến tịnh xá đức Phật nghe pháp, bây giờ đã bị mất tích, xin nhà vua cùng các quan tìm cách điều tra và tìm ra vụ án”.

Được tin báo, nhà vua cho người đến Tịnh xá điều tra, tìm hiểu. Cuối cùng phát hiện được xác của người nữ ấy bị chôn giấu dưới đống rác trong tịnh xá. Vua Ba-tư-nặc là một đệ tử Phật rất thuần thành. Ông biết rõ đức Phật xưa kia cũng là một vị hoàng tử, chuẩn bị lên ngôi vua, quyền uy thế lực, vợ đẹp con xinh nhưng Ngài đã dám từ bỏ tất cả để đi tu, thì làm sao chuyện giết người như thế có thể xảy ra.

Do vậy, nhà vua ra lệnh cho các quan phải điều tra, tìm ra nguyên nhân tội ác giết người này là do ai gây ra. Trong lúc điều tra, có người đến báo quan có bọn côn đồ nghiện rượu gây ra vụ án mạng này. Vì sau khi giết người nữ kia đem xác chôn trong tịnh xá, họ lãnh được số tiền lớn rồi tụ tập lại nhậu nhẹt. Đến khi nhậu quá say, do không làm chủ được bản thân mình, họ tự khai ra là họ đã giết người nữ để nhận lãnh số tiền thưởng hậu hĩnh.

Được tin, quan binh đến nơi tóm gọn, bắt bọn người này về điều tra, bọn chúng ấy mới khai thật rằng, có người ngoại đạo vì ghen ghét đức Phật nên âm mưu muốn hại, mà mướn chúng tôi giết cô gái ấy để vu oan cho Phật. Khi ta có hành động muốn hại người, nhưng chưa hại được ai thì ta đã bị trả quả xấu rồi, trước tiên là cô gái, sau đó là bọn côn đồ, kế đến là những người âm mưu. Tất cả đều phải bị hành hình ngay tức khắc bằng cách quăng vào hầm lửa thiêu sống. Như chuyện vừa kể trên, đức Phật giải thích như sau: 

Nhiều kiếp về trước, đức Phật khi còn hành đạo Bồ-tát, Ngài vẫn còn những sai sót trong cuộc đời. Có lần Ngài vu khống một vị Bích Chi Phật rằng, người này là người phá giới, không tu hành chân chính, hay phạm giới và Ngài xúi người khác nói theo mình. Vì vậy, cho đến ngày hôm nay tuy Ngài đã thành Phật, không còn bị dính mắc, nhiễm ô không còn bị phiền não, khổ đau chi phối, nhưng vì nghiệp cảm xa xưa, nhiều đời trước Ngài đã gieo tạo, nên trong hiện tại Ngài vẫn phải chịu quả báo bị những người ngoại đạo này vu khống, phỉ báng. Họ tìm cách mạ lỵ, hạ nhục, vu khống để vua quan bắt bớ xử tội và bị mọi người tẩy chay.

Tuy hiện tại Ngài vẫn bị quả báo như vậy, nhưng với tâm thanh tịnh sáng suốt Phật không còn bị dính mắc, nhiễm ô nên mọi việc đều qua khỏi. Vì là bậc giác ngộ, rõ biết nghiệp xấu đến với mình, nên Ngài không bao giờ than trách một ai, không thanh minh hay phân trần là tôi thế này, tôi thế kia… để đính chính cho mình. Khi sự việc xảy ra đức Phật vẫn bình thản an nhiên tự tại, dùng tâm từ bi rộng lớn để soi sáng muôn loài vật, sự thật như thế nào thì diễn biến như thế ấy.

Đức Phật là bậc vô thượng chính đẳng giác đã giác ngộ giải thoát hoàn toàn nên không còn phiền não khổ đau của, già, bệnh, chết chi phối và đã an nhiên tự tại trước mọi nghịch cảnh. Tuy nhiên, về mặt nhân quả Ngài vẫn phải chịu những oan trái do hậu quả của nghiệp quá khứ đã gieo tạo còn sót lại.

Từ một bài học quý báo qua câu chuyện trên, là người phật tử chân chính chúng ta phải nên tin sâu nhân quả và quyết tâm không gieo tạo nghiệp xấu ác để làm mình người khổ đau. Chính đức Phật còn phải chịu quả báo như thế, huống hồ chúng ta là những người phàm phu tục tử, chưa tu tập được bao nhiêu, chưa đủ khả năng tự tại trong mọi hoàn cảnh để chuyển hóa các nghiệp xấu. Vì vậy, chúng ta cần phải ý thức được nhân nào dẫn đến phiền não khổ đau, làm tổn hại cho người vật thì ta cố gắng dứt khoát không làm.

Biết được như vậy chúng ta hằng ngày phải siêng năng tinh tấn tu hành, kiểm soát chặt chẽ từ ý nghĩ, lời nói cho đến hành động không chút lơ là. Ta phải biết áp dụng tu trong mọi hoàn cảnh, trong mọi lúc, mọi nơi nhiều người chỉ tu với Phật, Bồ tát siêng năng sám hối, tụng kinh niệm Phật. Nhưng đối với gia đình người thân, bạn bè và xã hội thì ăn thua đủ, tu như vậy là sai lời Phật dạy, sở dĩ chúng ta thờ Phật, lạy Phật mục đích với lòng tôn kính biết ơn, để ta bắt chước làm theo Ngài hầu chuyển hóa nỗi khổ niềm đau, bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.

Khi đức Phật còn tại thế, có một cô bé chuyên nghề bán bánh. Cô bé này rất quý mến đức Phật và Tăng đoàn, cô thường đem bánh cúng dường Chư tăng. Thấy cô bé tuy nghèo khó, nhưng có lòng quý kính Tam bảo, đức Phật thường khuyên nhủ nhắc nhở chỉ dạy cô lúc nào cũng tin sâu nhân quả.

Rồi thời gian cứ êm ả trôi qua, cô bé vẫn hàng ngày làm bánh đi bán kiếm tiền nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình và không quên dành phần cúng dường chư Tăng. Một hôm đức vua Ba-tư-nặc có ý tìm người kế vị sau khi hoàng hậu đương triều qua đời. Ngài chọn cô bé bán bánh về cung tấn phong làm hoàng hậu hiệu là Mạt-lợi phu nhân. Sau khi được làm hoàng hậu, cô nhớ lại những lời chỉ dạy của đức Phật trước kia đã giúp cho cô thay đổi cuộc đời nhờ phát tâm cúng dường với tất cả lòng thành. Một hôm cô cung kính đem nhiều vật thực đến cúng dường đức Phật. Sau khi cúng dường xong, hoàng hậu mới ngồi sang một bên mà thưa hỏi rằng: Kính bạch đức Thế Tôn, do nhân duyên gì mà một số phụ nữ trên thế gian này có thân hình xấu xí, đen đúa, bệnh tật khó coi, bị mọi người chê bai, khinh khi, không thích thân cận và gần gũi. Và do nhân gì, duyên gì lại có một số phụ nữ khi sinh ra trên cõi đời này lại có uy quyền, thế lực, giàu sang tột đỉnh?

Đức Phật trả lời: Do nhân sân hận hay oán giận thù hằn thường xuyên tức tối, bực bội, mắng chửi làm cho mọi người khổ đau, cho nên đời nay phải chịu quả báo xấu xí, đen đúa bệnh tật khó coi, hay bị mọi người khinh chê không thích gần gũi. 

Do nhân biết bố thí, cúng dường người tu hành chân chính biết cung kính hiếu thảo với ông bà cha mẹ, hoặc giúp đỡ, chia sẻ với khi thấy người khó khăn bất hạnh, cho nên ngày nay ra đời được làm người phụ nữ trong trắng, đẹp đẽ, dễ coi, được sinh vào gia đình giàu sang có quyền cao chức trọng, được sống một đời hạnh phúc và được nhiều người yêu thương trìu mến.

Pháp thoại ngắn này, giúp cho chúng ta càng tin sâu nhân quả hơn vì biết rõ ràng muốn giàu có nhiều tiền của thì phải bố thí cúng dường, muốn thân tướng đẹp đẽ trang nghiêm thì ta phải biết kiên nhẫn, chịu đựng trong mọi hoàn cảnh. Nhìn thấy quả trong hiện tại xấu hay tốt thì ta biết mình nằm trong hoàn cảnh nào mà ráng cố gắng sửa sai, tích lũy thêm phước báo nhằm chuyển hóa quả xấu ác mà ta đã lỡ gây tạo.

Đã làm người trong trời đất ai không từng nóng giận? Nóng giận là thói quen xấu từ sự chấp ngã mà ra, thấy mình là ta, là trung tâm của vũ trụ, cho nên tham được thì càng thêm tham, tham không được thì sinh tâm sân hận, oán giận thù hằn rồi tìm cách trả đũa lại. Từ đó làm khổ gia đình người thân, làm tổn hại cho nhân loại cho nên bị quả báo thân hình xấu xí, đen đúa, khó coi, hay bị mọi người khinh chê, coi thường.

Tại sao nóng giận lại bị nghiệp quả nặng nề như vậy? Bởi khi nóng giận mặt mày nhăn nhó khó coi, trông dữ tợn, có khi mặt mày đỏ bừng lên, bừng bừng sát khí. Khi nóng giận, ta cảm thấy khốn khổ đau đớn dằn vặt trong tâm, vì mình chưa hại được ai, nhưng chính mình cảm thấy bất an ray rứt trong lòng nên tràn ngập nỗi khổ khổ đau.

Khi nóng giận thì có thể dẫn đến hành động nạt nộ, chửi mắng, đánh đập hoặc vì sự nóng giận cao độ không dằn được, có thể dẫn đến hậu quả như giết người, hoặc làm những việc phi pháp khác, bởi do ta không kìm chế được cơn sân hận. Nóng giận thường làm cho ta khổ đau trong hiện tại và mai sau làm cho người khác đau khổ, cho nên bị quả báo làm người xấu xí, bệnh tật là vậy đó.

Trong gia đình, nếu cha mẹ hay thường xuyên tranh cãi không ai biết nhường nhịn, chồng nói vợ không nghe, con cái không vâng lời cha mẹ ai cũng bảo vệ ý kiến cho mình là đúng nên dẫn đến bất an mất hạnh phúc. Có nhiều gia đình đang sống ấm êm hạnh phúc, chỉ vì sự nóng giận mà làm cho tan nhà nát cửa, vợ con khốn khổ. Do đó, nhà Phật chỉ rõ cho chúng ta biết nhân nóng giận sẽ dẫn đến hậu quả khổ đau trong hiện tại và đời sau bị quả báo xấu xí, bệnh tật.

Nếu ai nóng giận quá mức thì sau khi chết sẽ bị đọa lạc vào các loài súc sinh như rắn, gà, cá, sói, beo, cọp. Những loài này không biết thương yêu nhau, khi gặp nhau thường đấu đá, xâu xé giết hại lẫn nhau, nguyên nhân chính cũng vì nóng giận mà ra. Bởi do tập nghiệp thói quen sân hận quá mạnh nên phải sinh vào các loài súc sinh như thế để ăn nuốt lẫn nhau. Chúng ta còn đầy đủ duyên phước được sinh trở lại làm người, nhưng bị quả báo thân thể xấu xí, khó coi, ốm yếu tật nguyền. Bởi khi nóng giận trước tiên sẽ làm cho mình khổ đau trước, rồi mới làm cho người khổ đau theo.

Có một câu chuyện kể về một bà mẹ mang thai được bảy, tám tháng, do người chồng mê muội đắm say nữ sắc đi theo vợ bé, cô vợ này tức tối quá, nỗi lên cơn ghen ghét nguyền rủa chửi mắng, la hét người chồng quá thậm tệ. Sau đó, cô ta bỏ về nhà cha mẹ ruột ở. 

Đến ngày khai hoa nở nhụy, cô sinh ra một đứa bé kháu khỉnh, nhưng chỉ vài ngày sau, đứa bé này chết mà không có triệu chứng bệnh tật. Các bác sĩ mới tìm hiểu nguyên nhân vì sao đứa bé chết. Sau khi khám nghiệm đủ mọi cách vẫn không tìm ra lý do, đến khi bác sĩ xét nghiệm máu, mới phát hiện đứa bé chết do nhiễm độc tố từ người mẹ. Bởi khi nóng giận quá mức, những độc tố trong người tiết ra ngấm vào máu, ảnh hưởng đến bào thai, khi đứa bé ra đời được bú sữa mẹ nó lại bị nhiễm độc từ sữa và bị chết. 

Qua câu chuyện trên đã cho ta một bài học quý báo của cuộc đời về hậu quả của sự nóng giận, cho nên khi người nữ mang thai cần phải hết sức bình tĩnh, không nên sân hận quá mức, bởi nhân nóng giận rất tai hại, có thể làm hại bản thân mình và hại cho con của mình. Không những khi mang bầu, mà bất cứ khi làm việc gì chúng ta cũng nên bình tĩnh quán xét, ngăn ngừa cơn nóng giận, vì nó còn dẫn đến tình trạng làm tăng huyết áp, gây hại cho tim mạch, có người do nóng giận mà bị tai biến mạch máu não dẫn đến chết người.

Ngoài ra, cơn nóng giận còn dẫn đến nhiều nguyên nhân như nằm ngủ mơ thấy ác mộng, thấy cảnh binh đao, tàn sát, giết hại lẫn nhau… làm cho mình sợ hãi, buồn bực khốn đốn, sống trong thực tại không được an ổn, không được hạnh phúc.

Bởi do nhân nóng giận có thể gieo ân oán hận thù cho người, cho nên lúc nào mình cũng lo lắng sợ bị trả thù. Từ đó, cuộc sống của ta luôn mang tâm trạng sợ hãi, bất an. Do vậy, đời nay con người sinh ra có nhiều sự sai biệt là do ta gieo nghiệp bất đồng với nhau. Có người thì giàu sang sung sướng, hưởng đầy đủ phúc lạc. Có người nghèo khổ bệnh hoạn đau yếu. Có người sống thọ, có người chết yểu. Có người đẹp, có người xấu, có người đen, có người trắng, có người cao, có người thấp… Tất cả sự khác biệt như thế là bởi vì chúng ta gieo tạo nghiệp tập nhân quả khác nhau.

Nhà Phật dạy chúng ta rằng, muốn chuyển hóa những sân hận, si mê của mình, chúng ta phải thường xuyên quán từ bi, quán tình thương, thấy ai cũng là người thân, người thương của mình, do đó mà ta chuyển hóa được cơn nóng giận.

Giáo lý nhân quả rất quan trọng và thiết thực, người phật tử chân chính cần phải am tường, thấu rõ và tin tưởng vào nhân quả để hành trì tu tập, dấn thân làm việc phục vụ tha nhân không biết mệt mỏi, nhàm chán bằng trái tim hiểu biết. Còn khi gặp chướng duyên nghịch cảnh đến thì ta phải biết tự an ủi, tự tu tập để chuyển hóa mà vượt qua những bất hạnh trong cuộc đời.

Ta phải tự chiêm nghiệm và tin tưởng sâu sắc những lời Phật dạy mà cố gắng bền bỉ, tinh tấn tu hành. Đó là con đường tươi sáng và tốt đẹp để chúng ta tiến dần đến quả giác ngộ và giải thoát hoàn toàn nhờ thấu hiểu nhân quả.

Còn nữa...
Thích Đạt Ma Phổ Giác

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét