. Chuyển tâm một chỗ việc gì cũng xong (kinh Lương Hoàng Sám)
10 happy-vesak-day-illustration

Vui thay Đức Phật ra đời. Cõi người an lạc, Cõi Trời hân hoan!

.ĐẠO PHẬT LẤY SỰ DIỄN LÝ, CHO NÊN Ý NGHĨA RẤT THÂM SÂU. NGƯỜI NGOÀI CHƯA HIỂU CHỚ VỘI BÌNH XÉT. RIÊNG NGƯỜI CON PHẬT THÌ CẦN PHẢI PHƯỚC HUỆ SONG TU ĐỂ HIỂU CHO THẤU ĐÁO. "....TỨ HOẰNG THỆ NGUYỆN : Chúng sanh vô biên - thệ nguyện độ. Phiền não vô tận - thệ nguyện đoạn. Pháp môn vô lượng - thệ nguyện học. Phật đạo vô thượng - thệ nguyện thành.

PHƯỚC HUỆ SONG TU

 


.Tinh tấn ngăn ngừa những điều ác chưa phát sinh. Tinh tấn dứt trừ những điều ác đã phát sinh. Tinh tấn phát triển những điều lành chưa phát sinh. Tinh tấn tiếp tục phát triển những điều lành đã phát sinh. "

Thứ Hai, 10 tháng 4, 2017

NHÂN QUẢ VÀ SỐ PHẬN CON NGƯỜI ( P 2)


Đức Phật đã chỉ cho chúng ta tất cả mọi hiện tượng sự vật trên thế gian này đều dựa theo nền tảng của nhân quả nghiệp báo, mọi hành vi của con người tạo tác trong cuộc đời này, sở dĩ có sự khác biệt, không ai giống ai là bởi do sự huân tập nghiệp của mỗi người không đồng mà cho ra những kết quả khác nhau. Bởi vậy, con người khi sinh ra có người thì cao lớn trắng trẻo, dễ thương, giàu có, sang trọng… Có người sinh ra thì nghèo hèn, khốn khổ, bệnh hoạn, đau yếu, bệnh tật… Tất cả đều do duyên tốt hay xấu của mình tạo ra trong quá khứ mà cho ra kết quả trong hiện tại.

Bài học nhân quả

Người xưa thường nói “làm phước thì được phước, hưởng phước thì hết phước” đó chính là bài học về nhân quả mà Phật thường khuyên nhủ và chỉ dạy cho mọi người. Chúng ta được sinh ra làm người, ai ai cũng đều có phước báo cả, bởi có phước nên mới được làm người, nếu không đã bị đoạ vào ba đường dữ: quỷ đói, súc sinh và địa ngục. Nhưng người phước báo ít mà hưởng thụ nhiều và không biết gieo trồng thêm thì làm sao có đủ phước để mà hưởng. Như chúng ta đã thấy trên đời này có lắm người không làm mà vẫn có ăn là do đâu? Có người đang giàu có bổng dưng bị mất mát, tán gia bại sản trở thành nghèo khổ là do hết phước bởi vì hưởng thụ quá nhiều.

Sau đây, câu chuyện về bài học nhân quả.

Một hôm, Thiền sư Nghi Sơn tắm, vì nước nóng quá nên Ngài gọi đệ tử đem nước lạnh cho thêm vào. Chú đệ tử châm thêm nước lạnh thấy nước vừa đủ ấm để tắm, còn dư chút ít nước lạnh chú đem ra ngoài đổ bỏ. Thiền sư thấy vậy, không hài lòng vì sự phí phạm của người đệ tử nên nói:

- Tại sao con lại phung phí như thế? Trên đời này bất cứ vật gì cũng đều có chỗ dùng của nó, chỉ là giá trị không đồng mà thôi nếu con biết tiết kiệm sử dụng đúng chỗ thì lợi ích biết mấy. Cớ sao con lại xem thường giọt nước mà đổ bỏ không đi như vậy? Một giọt nước nếu con dùng để tưới hoa, tưới cây, không những cây hoa luôn tươi tốt mà không làm mất giá trị của nó. Tại sao con lại lãng phí đổ đi như thế? Dù là một giọt nước nhưng nếu con biết tận dụng thì giá trị của nó không thể nghĩ bàn. 

Người đệ tử nghe xong tỉnh ngộ, xin sám hối và xin thầy đổi pháp danh cho mình là Trích Thủy (có nghĩa là giọt nước) để ghi nhớ lời dạy của thầy. Về sau thầy Trích Thủy trở thành vị Hòa thượng cao Tăng nổi tiếng, được mọi người tôn kính, quý trọng nhờ biết cách sử dụng nhân quả phù hợp với cuộc sống hiện tại.

Ở đời, ít ai nghĩ phải làm thế nào để gieo trồng phước đức mà đa số chúng ta chỉ muốn hưởng thụ, nên làm cái gì cũng cố tìm cách vơ vét về cho riêng mình. Cái gì của ta thì mình quý kính, gìn giữ tiếc rẻ từng chút một, còn của người mặc tình ta lãng phí, vô trách nhiệm không cần quan tâm đến nhất là đối với của chung.

Một giọt nước tuy nhỏ nhưng cả biển lớn bao la cũng do nhiều giọt nước gộp lại mà thành. Thiền sư chỉ dạy người đệ tử của mình hết sức đơn giản, nhưng ý nghĩa và giá trị của nó sâu xa không thể nghĩ bàn giúp cho ta ý thức, gìn giữ bảo vệ của chung. Nhất là cuộc sống của tăng ni nhờ vào sự đóng góp giúp đỡ của đàn na tín thí khắp nơi, nếu ta không ý thức mà tiêu xài lãng phí coi chừng mang lông đội sừng.

Có lần, thầy Trích Thủy dùng giấy trắng để chùi mũi, lần này bị sư phụ quở trách nặng nề: “Con là người hủy hoại Phật pháp, không xứng đáng là người tu hành chân chính”. Của thí chủ họ phải nhín ăn bớt mặc cho nên dù một hột cơm cũng nặng như núi Tu di, con phải tiêu xài cho có chừng mực. Do sự chỉ dạy nghiêm khắc của sư phụ đã giúp cho thầy Trích Thủy sau này trở thành một Thiền sư nổi tiếng.

Chúng ta có được vị thầy như vậy, được học hỏi từ tấm lòng bao dung rộng lớn của ngài, người có chí lớn sẽ không buồn phiền mà còn cán ơn thầy nhiều hơn nữa, vì đã giúp cho ta sống tốt hơn nhờ biết tiết kiệm và an nhẫn nhịn chịu những điều nặng nhọc từ lời nói phát ra.

Tuy biết rằng được sinh ra làm người là rất khó, nếu không có phước báo làm sao ta được xuất xuất gia tu hành, trên cầu thành Phật dưới cứu độ chúng sinh. Nếu ta không biết tích luỹ phước báo e có ngày phước hết thì hoạ đến. Nhiều người cứ nghĩ rằng ta là thầy thiên hạ mặc tình mà phung phí, không biết tiết kiệm, không lo tu học cho đàng hoàng, không tích công bồi đức đến khi phước hết, không còn phước làm tăng phải ra đời sống khổ sở.

Nếu chúng ta biết sử dụng phước báo đúng chỗ phù hợp thì phước sẽ không hết mà mỗi ngày càng tăng trưởng thêm, ngược lại nếu ta cứ một bề sống theo thói quen lãng phí làm tổn hại phước báo thì đến một lúc nào đó phước báo sẽ không còn, ta làm gì cũng không được suông sẽ như ý muốn.

Phước báo của con người có giới hạn, nếu ta không biết làm việc thiện lành tốt đẹp để tích lũy thêm phước báo thì dù người nhiều phước báo đến mấy cũng có ngày cạn kiệt. Chính vì thế cho thì còn, ăn thì hết, ta phải biết sử dụng phước báo đúng nơi, xài đúng chỗ thì phước báo mới không bị mòn mà càng ngày càng thêm tăng trưởng.

Như vị thiền sư dạy người đệ tử tuy thấy đơn giản, nhưng thật là sâu sắc về giá trị thiết thực của nhân quả. Nghĩa là mọi thứ trên đời này đều có giá trị, và là công lao khó nhọc của phật tử khắp nơi, ta phải biết tiết kiệm và sử dụng sao cho phù hợp. Tiết kiệm khác với hà tiện. Hà tiện là bỏn sẻn, chỗ đáng xài thì không dám xài, ví như có của mà cứ khư khư cất giữ cho đến hư mục, không dám đem ra giúp đỡ khi thấy người thiếu thốn khó khăn, trong cơn hoạn nạn.

Người sống biết tiết kiệm là người biết tích chứa phước báo. Tiết kiệm là người biết tiêu xài đúng chỗ, đúng cách không xa hoa lãng phí. Có người thì biết tiết kiệm tài sản tiền bạc của mình, còn của người hay của chung thì sử dụng lãng phí như thế nào cũng chẳng cần quan tâm đến, hoặc là sử dụng không đúng chỗ làm thiệt hại cho nhân loại chẳng cần biết đến ai.

Số phận con người thay đổi được

Theo quan niệm của một số người thời xa xưa, họ cho rằng đời sống con người là do đấng tạo hóa hay thần linh thượng đế hoặc ông trời tạo ra và sắp đặt. Ai tin và chịu theo các Ngài thì được hưởng ân sủng tối cao, ngược lại, ai không tin, không làm theo ý các ngài thì sẽ bị đọa vào chỗ khốn cùng. Họ cho rằng con người sinh ra đều có số mệnh định sẵn, đã có sự an bài con người khó có khả năng vươn lên vượt qua số phận tối tăm của mình. Vì vậy một số người thường nói số trời đã định, không ai có đủ khả năng để thay đổi cuộc đời của họ.

Nếu chúng ta nói rằng sống trên cuộc đời này giàu nghèo, sang hèn như thế nào đều do số mệnh đã định sẵn thì con người đều bất lực, xuôi tay phải chấp nhận sống theo mệnh lệnh của đấng tối cao.

Thật tế có phải vậy không? Trong khi đó thế giới hỗn loạn, chiến tranh, binh đao, con người đối xử độc ác với nhau, lại thêm nạn thiên tai, lũ lụt, sóng thần, động đất, nghèo đói, dịch bệnh, chết chóc đau thương hàng loạt… chẳng lẽ đấng tối cao cũng tạo ra những điều đau khổ ấy hay sao?

Nếu con người và muôn loài đều do một đấng thần linh thượng đế quyền năng tạo ra, tại sao lại có sự sai biệt quá lớn trong thế gian này nhiều đến như vậy? Kẻ sang người hèn, kẻ giàu người nghèo, kẻ trắng người đen, kẻ cao người thấp, kẻ sống lâu, người chết yểu, kẻ thông minh, người dốt nát.v.v… chẳng lẽ đấng tối cao muốn tạo ra nhiều nỗi bất công và sai biệt như thế sao?

Nếu nói số phận con người không thể thay đổi được, câu chuyện sau đây sẽ cho chúng ta thấy quan niệm ấy không vững chắc và không phù hợp cho kiếp nhân sinh:

Xưa có ông thầy tướng số rất giỏi, bói đâu trúng đó, gần nhà có người nông dân nghèo nhưng chất phát, thật thà, hiền hậu. Một hôm trên đường đi làm ruộng về vô tình đi ngang qua nhà ông thầy tướng số, trời đổ mưa, người nông dân ghé vào trú mưa. Thầy tướng số nhìn anh nông dân kỹ càng từ khuôn mặt cho đến vóc dáng, tướng đi rồi lắc đầu nói: “Số chú nghèo ba đời”.

Dân gian thường nói: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Câu này ý nói không có gì là cố định cả, nếu nói số phận cố định không thể thay đổi thì người giàu sẽ giàu mãi, người nghèo thì phải an phận chịu cảnh nghèo khó túng thiếu, có cố gắng bố thí cúng dường, giúp đỡ sẻ chia, siêng năng làm việc cũng bằng thừa, vô ích.

Rồi thời gian trôi qua, anh nông dân mỗi ngày vẫn đi làm ruộng bình thường, vẫn với thân phận nghèo túng. Một hôm trên đường đi về nhà, anh thấy sợi dây chuyền vàng của ai đánh rơi bên vệ đường. Anh nông dân nhặt lên rồi suy nghĩ: Không biết sợi dây chuyền này của ai? Nếu mình không thấy, người khác lượm được thì sao? Có chắc là họ sẽ trả lại cho khổ chủ hay không? Người bị mất chắc sẽ phải khổ đau vì mất của. Do suy nghĩ như vậy và tội nghiệp cho người bị mất, thay vì đi về nhà dùng cơm trưa, anh ngồi lại ngay chỗ đó để chờ người khổ chủ đến tìm trả lại.

Anh ngồi suốt từ trưa tới chiều quên cả đói bụng chỉ vì hy vọng gặp người bị mất để trả lại. Đến lúc trời vừa chập choạng tối anh thấy một cô gái vừa đi vừa nhìn xuống đất như tìm kiếm vật gì, lại vừa đi, vừa khóc sướt mướt, anh bèn kêu lại hỏi thăm cớ sự ra sao, có việc gì buồn phiền đau khổ mà phải khóc như vậy?

Cô nói trong nức nở, nghẹn ngào :

- Dạ thưa bác, con vừa được chồng sắp cưới tặng cho đôi bông tai và một sợi dây chuyền bằng vàng 24, chẳng may trên đường đi về nhà, sợi dây chuyền bị đứt rơi mất lúc nào con không hay. Nếu không tìm lại được nó, chắc con phải tự tử chết quá bác ơi, để khỏi bị bên chồng nghi ngờ con đem tặng cho người khác.

Nghe xong, anh nông dân mới hỏi cô về hình dáng, màu sắc của sợi dây chuyền ra sao? Cô gái mô tả đúng như sợi dây chuyền anh đã nhặt được.

Anh nói phước của cô còn đó nên chưa mất của, anh liền đưa sợi dây chuyền ra, cô gái nhìn thấy mừng quá:

- Đây đúng là sợi dây chuyền của con.
Anh nông dân trao lại sợi dây chuyền cho cô gái và vui vẻ đi về nhà dùng bữa cơm trưa muộn màng trong trời tối. Nhờ tấm lòng tốt của anh nông dân mà cô gái thoát chết trong tầm tay và sống hạnh phúc bên chồng.

Tuy anh nông dân là người nghèo khổ, thiếu thốn, nhưng khi lượm được của rơi, anh không sinh lòng tham đắm, vì anh nghĩ rằng, người mất của rất đau khổ, nên anh không nỡ lòng nào lấy đi cái của ấy. Bởi vì anh là một phật tử thuần thành luôn sống theo lời Phật dạy, nhờ hiểu thấu được lý nhân quả nên anh nông dân không quản ngại hay tiếc công, mặc dù bụng đã đói meo anh sẵn sàng ngồi lại để chờ chủ mất của đến trả lại.

Đây cũng là một nghĩa cử cao thượng với những ai đã có lòng tin nhân quả sâu sắc, hành động tốt đẹp đó nói lên tinh thần cứu khổ ban vui của người tu theo đạo Phật, không bao giờ làm tổn hại đến người khác, dù chỉ trong tâm tưởng. Đức Phật đã hướng dẫn và chỉ dạy cho ta một nhận thức sống đúng đắn, một sự hiểu biết chân chính và sẵn sàng san sẻ nỗi khổ niềm đau làm vơi bớt sự bất hạnh, luôn dấn thân phục vụ vì lợi ích tha nhân với tinh thần chia vui sớt khổ.

Thời gian thấm thoát trôi qua, anh nông dân vẫn miệt mài với công việc đồng áng của mình vẫn ở thân phận nghèo thiếu. Một hôm, anh ghé thăm nhà thầy tướng số. Thấy anh ông ngạc nhiên nói:

- Tướng chú sắp làm quan rồi.

Anh nông dân nói:

- Thưa bác, con là một nông dân thuần túy, đâu có tri thức, chữ nghĩa gì nhiều mà làm quan, người làm quan thì phải học cao hiểu rộng, có năng lực lãnh đạo giúp dân, giúp nước, còn con thì chỉ biết cày sâu cuốc bẩm ruộng đồng thiếu trước hụt sau thì giúp gì cho ai được.

Nhưng thầy tướng số cứ quả quyết:

- Tôi từ xưa đến nay xem tướng số cho ai chưa trật bao giờ. Bây giờ tôi hỏi thiệt chú: Từ ngày chú ghé nhà tôi cho đến nay, chú có làm điều phước thiện nào không?

Anh nông dân trả lời:

- Dạ, con đâu có làm việc gì lợi ích cho ai .

Song anh chợt nhớ lại:

- Dạ, mà có một lần con lượm được sợi dây chuyền vàng, con ngồi chờ gần đến tối để đem trả lại cho cô gái.

- Đó là phước của chú đấy! Chú đã thay đổi và chuyển hóa được nghiệp nhân nghèo khổ của mình rồi. Chú sắp làm quan rồi, chú hãy nhớ lời tôi nói nhé!

Anh nông dân nghe thầy tướng nói sao hay vậy, chẳng quan tâm gì đến những lời lẽ ấy. Về nhà, anh vẫn tiếp tục công việc ruộng nương của mình từ bấy lâu nay.

Đến kỳ dân chúng trong làng được lệnh cấp trên cho chọn người hiền đức để bầu làm xã trưởng. Sau cơn mưa trời lại sáng, bây giờ anh mới thấy lời thầy tướng số nói không sai.

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy rõ ràng tướng số cũng không cố định có thể thay đổi được nếu ta biết tu nhân tích đức. Ai nói rằng cuộc sống con người là do trời định đoạt, sắp đặt con người sẽ sống phụ thuộc vào đấng tối cao ấy, thì người nghèo sẽ phải nghèo vĩnh viễn, nhưng trên thực tế có phải vậy không? Có người từ thuở hàn vi nghèo khổ, nhưng khi lớn lên biết siêng năng chăm chỉ làm việc rồi trở nên giàu có. Đó là một sự thật mà ai cũng có thể nhìn thấy.

Còn anh nông dân kia do nhiều đời trước không biết giúp đỡ, sẻ chia nên đời này phải chịu nghèo khổ. Nhờ gặp được Phập pháp và một lòng tin sâu nhân quả nên sống hiền hậu và chất phát, thật thà. Phật pháp rất sâu kín và nhiệm mầu ai có duyên lành nhiều đời mới gặp được Tam bảo sáng soi. Là một phật tử sống tốt theo lời Phật dạy anh nông dân dù nghèo nhưng trong sạch, nhờ tâm niệm tốt đẹp lượm được của rơi mà nghĩ rằng người mất sẽ khổ đau nên cố tình ngồi lại chổ mất để trả lại cho chủ. Nhờ vậy mà anh nông dân được đổi đời.

Biết rằng sự sống của chúng ta rất cần đến tiền bạc của cải, nhưng tiền bạc của cải do chính mồ hôi nước mắt của mình làm ra mà ta chưa chắc giữ được, huống hồ là lượm của rơi. Chính nhờ biết ứng dụng Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày mà anh nông dân chuyển được kiếp nghèo khổ của mình. Thời nay việc lường gạt trộm cướp vẫn xảy ra hằng ngày, một số người có quyền cao thì lợi dụng để tham ô hữu hóa, hối lộ bắt chẹt để moi móc tiền của dân. Tất cả đều do không hiểu lý nhân quả nên mới dám làm những điều xằng bậy như thế.

Khi xưa Phật chưa ra đời, nhiều người không biết nên tin vào học thuyết số phận đã an bài hay do một đấng tối cao, quyền năng tạo ra tất cả, ai như thế nào phải chịu như thế ấy, suốt đời không thể nào thay đổi được. Đó là nói cách nhìn của người thường kiến họ lợi dụng quyền cao chức trọng để bắt buộc kẻ dưới phải phục tùng cho mình và đó là cách thức bảo vệ địa vị cho họ. 

Nhờ tu chứng dưới cội bồ đề, đức Phật đã thấy rõ mọi sự sai biệt trong cuộc đời này đều do nhiều nhân duyên hòa hợp lại mà hình thành. Trong vũ trụ bao la này, không có cái gì do một nhân mà thành để bảo tồn sự sống. Còn nếu ai nói rằng có một chủ thể tạo ra tất cả thì ta biết rằng người này chưa hiểu về sự vận hành của nhân quả nghiệp báo trong bầu vũ trụ bao la với thiên hình vạn trạng. Bởi không thể có cái gì chỉ có một nhân mà hình thành.

Nếu nói cái gì cũng do trời quyết định thì tại sao có sự bất đồng và sai biệt trên thế gian này, không ai giống ai. Nếu thượng đế có khả năng ban phước giáng họa thì tại sao không ban phước lành đến cho tất cả chúng sinh? Còn nếu nói rằng số phận đã định sẵn từ trước thì tại sao có người thay đổi được vận mệnh của mình như anh nông dân lượm sợi dây chuyền kia chẳng hạn.

Đức Phật dạy rằng: Chính sự tạo tác của đấng tối cao mà con người trở nên sát hại, trộm cướp, loạn luân, giả dối, phỉ báng, thô lỗ, nhãm nhí, thèm thuồng, khao khát, hiểm độc và hiểu biết sai lầm.

Nếu số mệnh đã sắp đặt sẵn, định sẵn thì thật là tai hại vô cùng, nếu ai lỡ làm những việc xấu ác thì đổ thừa số phận tôi như thế, không cố gắn phấn đấu vươn lên làm lại cuộc đời. Đạo Phật quan niệm rất thiết thực, không chấp nhận hay đổ thừa cho số phận, làm cái gì được thì nói nhờ trời, còn không được thì đổ thừa tại trời, nói như vậy thì oan cho trời quá.

Người nào quan niệm như thế thì vô tình hại mình, hại gia đình và xã hội, bởi vì người ấy sẽ không cố gắng phấn đấu để vươn lên, sống có ích cho cuộc đời, mà rơi vào dị đoan, mê tín. Trong khi đó, mỗi con người chúng ta đều có khả năng suy luận, nhận xét, tư duy, quán chiếu có thể vận dụng sự hiểu biết của mình mà thay đổi chuyển hóa từ con người cho đến muôn loài vật.

Còn nếu ta sống mà không có ý chí, nghị lực thiếu quyết tâm để phấn đấu vươn lên, vượt qua số phận đã an bài mà cứ bảo rằng có một đấng thần linh thượng đế có khả năng ban phước hay giáng họa thì thật là vô lý và bất công làm sao đâu.

Đạo Phật nói: “Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt, tất cả đều nương tựa mật thiết vào nhau, tùy theo hoàn cảnh mà có đổi thay, thay đổi vô cùng tận”.

Đức Phật đã chỉ cho chúng ta tất cả mọi hiện tượng sự vật trên thế gian này đều dựa theo nền tảng của nhân quả nghiệp báo, mọi hành vi của con người tạo tác trong cuộc đời này, sở dĩ có sự khác biệt, không ai giống ai là bởi do sự huân tập nghiệp của mỗi người không đồng mà cho ra những kết quả khác nhau. Bởi vậy, con người khi sinh ra có người thì cao lớn trắng trẻo, dễ thương, giàu có, sang trọng… Có người sinh ra thì nghèo hèn, khốn khổ, bệnh hoạn, đau yếu, bệnh tật… Tất cả đều do duyên tốt hay xấu của mình tạo ra trong quá khứ mà cho ra kết quả trong hiện tại.

Đức Phật là bậc giác ngộ hoàn toàn, giàu lòng từ bi, đầy đủ trí tuệ, Ngài luôn thương tưởng với tất cả chúng sinh làm sao giúp cho mọi người tin sâu nhân quả, tự tin chính mình, làm lành lánh dữ sống có ích cho tha nhân. Ai tin sâu nhân quả là luôn hướng đến chân thiện mỹ thì lúc nào cũng sống được bình an và hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

Sự ra đời của đạo Phật đã giúp cho mọi người biết cách làm chủ bản thân, đem lại giá trị hạnh phúc thật sự cho tất cả chúng sinh. Mọi sự tốt đẹp, phải quấy, nên hư, thành bại đều do chính mình tạo lấy, không ai có quyền ban phước, giáng họa hay sắp đặt số phận con người.

Từ xa xưa một số người họ lợi dụng quyền thế của mình, nên tuyên truyền con người và vạn vật sinh ra trong cõi đời này đều do một đấng thần linh thượng đế tạo ra, ai không chấp nhận tu tập theo sự hướng dẫn của họ sẽ bị đọa lạc vào chốn khốn cùng, khổ đau. Còn ai chịu nghe lời thần linh, thượng đế thì sẽ hưởng được quả báo tốt đẹp.

Đức Phật dạy rằng, trong mỗi người chúng ta, ai cũng có khả năng giác ngộ, khả năng giải thoát, chỉ vì chúng ta không chịu thừa nhận, không chịu suy xét thấu đáo cho nên đã tạo ra những nỗi khổ niềm đau mà làm tổn hại cho nhau. Chính vì thế mà khi ta sinh ra đời phải chiêu cảm những quả báo xấu xa, đau đớn và khổ não.

Đức Phật đã tùy theo căn cơ, tâm tư nguyện vọng của mỗi người mà chia giáo lý ra làm nhiều loại, ngài tùy bệnh cho thuốc để dễ dàng hóa độ. Ngài khuyên mọi người phải biết hướng về Phật pháp, quy y Tam bảo, thọ trì năm giới, cố gắng giữ cho trọn vẹn năm giới này thì chắc chắn cuộc sống hiện tại và mai sau sẽ được tái sinh trở lại làm người tốt sống có nhân cách đạo đức.

Nếu ai biết tu thập thiện với mười điều răn dạy là không giết hại, không trộm cướp, không tà dâm, không nói lời mắng chửi độc hại, không nói lời chia rẽ, gây mất sự đoàn kết, không nói lời thêu dệt thù oán, không nói lời mê hoặc dụ dỗ người… Mà hay nói lời chân thật, hòa ái, vui vẻ, cởi mở, giúp cho mọi người được yêu thương đùm bọc, giúp đỡ, biết thông cảm và tha thứ để chuyển hóa phiền muộn khổ đau, người ấy trong tương lai sẽ được tái sinh vào cõi trời, để được hưởng các phước báo tốt đẹp trọn vẹn.

Còn người nào tâm thường hay oán giận thù hằn, luôn có tâm niệm độc ác, giết hại, làm cho người quanh mình đau khổ, mọi loài khốn đốn… thì chắc chắn trong tương lai sẽ bị đọa lạc trong địa ngục để chịu sự hành phạt. Còn người tham lam, ích kỷ, bỏn sẻn, hẹp hòi, luôn làm cho người bệnh hoạn vì đau khổ, hành hạ thân xác hoặc chửi mắng người khác, cũng như nặng lời với cha mẹ, dòng tộc thì quả báo trong tương lai thân thể bị bệnh hoạn, đau yếu nhọc nhằn, đời sống khó khăn khốn đốn, thiếu thốn trăm bề.

Tuy sinh ra là thân phận con người như nhau, nhưng do nhân đời trước mình gieo tạo khác nhau và trong đời hiện tại mình phải chịu quả báo ấy, cho nên mỗi người có hoàn cảnh, đời sống khác nhau. Còn người mê muội, tà kiến, chấp trước, không hiểu biết đúng sai sự thật của cuộc đời thì sẽ bị rơi vào các loại súc sinh sống theo quán tính, nghiệp tập, tùy theo sự chiêu cảm mà rơi vào quả báo loài nào thì phải chịu trả suốt đời, suốt kiếp không cưỡng lại được.

Chúng ta ai được sinh ra làm người là một diễm phúc rất lớn, bởi vì chúng ta có đầy đủ phương tiện, có tư tưởng, có tư duy, có hiểu biết, có nhận định đúng sai, có tìm hiểu, học hỏi giáo lý nhân quả một cách chân chính. Ta tin tưởng rằng mình có khả năng, giác ngộ giải thoát thật sự, nên cố gắng không làm các điều ác mà hay làm các việc thiện lành tốt đẹp nhờ tin sâu nhân quả. Khi chúng ta đã biết cách làm chủ bản thân thì lúc nào ta cũng kiểm soát chặt chẽ từ ý nghĩ cho đến lời nói và hành động trong sáng suốt, nhờ vậy ta luôn sống trong bình an hạnh phúc.

Vậy nhân quả là gì? Nhân là nguyên nhân, quả là kết quả, tuy nhiên nhân quả rất đa dạng và phức tạp.

Có loại nhân quả gần, tất là khi ta làm điều gì thì có kết quả liền trong hiện tại, không phải chờ đợi lâu xa. Thí dụ, như trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu hay còn gọi là nhân nào quả nấy. Trường hợp thứ hai như khi ta đang đói bụng, ta ăn cơm vào thì liền là no hoặc ta đánh trống thì nghe được âm thanh của trống ngay tức khắc. Ta gọi là nhân quả hiện tiền hay nói ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão. 

Có những nhân, nếu ta gieo trong hiện tại có khi ta phải trả quả trong một thời gian ngắn từ năm ba tháng cho đến vài năm mới cho ra kết quả.

Còn có những nhân ta gieo tạo thì phải trải qua một đời, hai đời hoặc vô số kiếp về sau thì quả mới trổ ra. Và có điểm đặc biệt là khi chúng ta gieo nhân mà không có kết quả do thiếu những duyên phụ hoặc ta tu hành quá tinh tấn nên nhân xấu không đủ sức trổ quả.

Như trường hợp trong một lúc ta cùng gieo ba thứ hạt giống cây lúa, cây chuối, cây mít đồng thời ta chăm sóc kỹ càng nhưng kết quả cho ra không cùng một thời gian. Cây lúa khi gieo xuống thì từ ba tháng cho đến sáu tháng có kết quả, cây chuối phải chin tháng đến một năm, còn cây mít ít nhất phải từ hai năm trở lên, đó là nhân quả thuận chiều theo nhân duyên. Nhưng có những nhân mà ta đã gieo lại không có kết quả, nửa chừng cây bị chết hoặc bị trường hợp rủi ro khác.

Nhân quả rất đa dạng và phức tạp, chúng ta là những phàm phu mắt thịt, không thể nào nhìn thấy hết tất cả tiến trình chi phối và diễn biến của luật nhân quả nghiệp báo. Là người phật tử chân chính, chúng ta phải thận trọng trong từng ý nghĩ lời nói, cho đến hành động do mình tạo ra trong từng phút, từng giờ… Ta phải thường xuyên xem xét, quán chiếu, soi sáng lại chính mình để không vấp phải lỗi lầm.

Chúng ta phải thường xuyên nghiệm xét lại bản thân và tự đặt ra những câu hỏi: Tại sao mình phải mang thân phận nghèo đói, thiếu thốn, khó khăn và bệnh tật? Tại sao người kia sinh ra lại được giàu sang, hạnh phúc v.v… Ta phải tin sâu nhân quả, biết được rõ ràng nguyên nhân sâu xa của nó, nhờ vậy ta sẽ cố gắng chừa bỏ những thói hư tật xấu có hại cho mình và người. Chỉ vì chúng ta do mê lầm, chấp trước nên gây tạo nhiều tội lỗi mà ngày nay sinh ra phải chịu nhiều phiền muộn đau khổ mà thôi.

Cho nên người phật tử khi đến với Phật pháp, chúng ta phải tin rằng đức Phật cũng chỉ là một người giống như tất cả mọi người trên thế gian này. Ngài cũng được sinh ra từ trong bụng mẹ bằng xương, bằng thịt, rồi lớn lên nhờ ăn uống và hoạt động. Ngài có điều kiện sinh ra trong giòng tộc tôn quý có cả cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh, thần dân thiên hạ, mà người thế gian ai cũng hằng ao ước. Nhưng tại sao Ngài lại từ bỏ tất cả để ra đi tìm cầu chân lý? Ngài đã thật sự giác ngộ, giải thoát và mở lòng từ bi rộng lớn để hóa độ chúng sinh thoát khỏi khổ đau sinh tử luân hồi. Ngài đã giúp đỡ, chia sẻ hay nâng đỡ mọi người một cách nhiệt tình khi có nhân duyên nhằm giúp cho họ đạt được bình an, hạnh phúc.

Do vậy, người phật tử chân chính hãy vững niềm tin đối với Phật đà là người có đủ sáng suốt chỉ dạy chúng ta vượt qua biển khổ sông mê nhờ biết quay lại với chính mình để vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời mà sống an nhiên tự tại.

Giáo lý đức Phật rất đa dạng và cao siêu, tùy theo bệnh mà cho thuốc phù hợp với tâm tư nguyện vọng của mọi người. Ngài chia giáo lý ra làm hai loại: Loại thứ nhất cho những người muốn tích lũy phước báo, tu tập nhân thiện lành tốt đẹp để được sinh trở lại làm người hiền thiện đạo đức, hoặc sinh vào các cõi trời để hưởng phước báo thù thắng muốn gì được nấy. Muốn được vậy thì chúng ta phải giữ gìn năm giới, thọ bát quan trai hoặc tu mười điều thiện.

Loại thứ hai đức Phật chỉ cho chúng ta phương pháp tu tập để được giác ngộ và giải thoát hoàn toàn. Tuy vẫn sống trong cuộc đời này, nhưng ta không bị tham lam, sân hận, si mê làm lung lạc nhờ ta biết quán chiếu, nghiệm xét và biết buông xả không tham đắm vào tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, ăn ngon, ngủ nhiều.

Chúng ta là người phật tử, cần phải bắt chước đạo hạnh tốt đẹp, tôn quý của Ngài. Nếu ta chưa đủ khả năng tu tập hạnh giác ngộ, giải thoát thì ta phải biết cách gieo trồng phước đức tu theo hạnh Bồ tát, giác ngộ từng phần từ thấp đến cao cho đến khi nào bằng Phật mới thôi.

Trong cuộc sống có người hiện tại tuy không sát sinh hại vật nhưng vẫn bệnh hoạn đau yếu rề rề? Cho nên có nhiều người nghi ngờ giáo lý nhân quả, nhưng họ không hiểu chính xác vì nhân quả có tính cách ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai. Cũng chỉ vì nhiều đời trước ta đã có hành động sát sinh hại vật, bởi chúng ta hãy nghĩ rằng mọi sinh vật sinh ra trên đời này là để cúng tế cho thần linh và phục vụ cho con người. Chính Vì học thuyết sai lầm đó, mà con người ngày càng tàn ác hơn cho nên lấy việc giết hại, để nuôi sống bản thân mình. Vì những hành động sát sinh này đã gây nên những ân oán thù hằn càng thêm chổng chất, cho nên nhân quả vay trả cứ tiếp tục tiếp nối mà không có ngày thôi dứt, do vậy ngày nay chúng ta phải chịu trả quả, bệnh tật khổ đau.

Trong sáu đường luân hồi loài người có ưu thế hơn các loài vật khác là có suy nghĩ, có hiểu biết, nếu biết vận dụng đi theo chiều hướng thiện thì giúp người cứu vật. Ngược lại vì muốn tìm cầu ăn sung mặc sướng hưởng thụ bồi bổ cho thân này, vì nghĩ mình là ta, là tôi, là loài thượng đẳng cao cấp có quyền, còn trời sinh ra loài vật là để phục vụ cho con người và đấng thần linh thượng đế. Do đó, con người tìm cách giết hại các loài động vật để nuôi sống, bồi bổ cho thân mình ngày càng nhiều hơn. Chính vì thế mà gây đau thương tang tóc cho muôn loài vật từ kiếp này sang kiếp khác không có ngày thôi dứt.

Ngày nay, người nào đã lỡ tạo nghiệp ác mà giờ đây phải chịu những quả báo như bệnh hoạn, đau yếu, tàn tật, thì phải cần thường xuyên sám hối, tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền và gieo trồng phước đức để chuyển hóa các nghiệp xấu ác mà chúng ta đã lỡ gây tạo trong những đời quá khứ. Muốn dứt trừ nghiệp xấu ta phải sám hối và phát nguyện, từ nay về sau suốt đời trọn kiếp ta cố gắng gìn giữ cẩn thận từ ý nghĩ, lời nói cho đến hành động của mình không làm tổn hại người và vật.

Còn nữa...
Thích Đạt Ma Phổ Giác

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét