. Chuyển tâm một chỗ việc gì cũng xong (kinh Lương Hoàng Sám)
10 happy-vesak-day-illustration

Vui thay Đức Phật ra đời. Cõi người an lạc, Cõi Trời hân hoan!

.ĐẠO PHẬT LẤY SỰ DIỄN LÝ, CHO NÊN Ý NGHĨA RẤT THÂM SÂU. NGƯỜI NGOÀI CHƯA HIỂU CHỚ VỘI BÌNH XÉT. RIÊNG NGƯỜI CON PHẬT THÌ CẦN PHẢI PHƯỚC HUỆ SONG TU ĐỂ HIỂU CHO THẤU ĐÁO. "....TỨ HOẰNG THỆ NGUYỆN : Chúng sanh vô biên - thệ nguyện độ. Phiền não vô tận - thệ nguyện đoạn. Pháp môn vô lượng - thệ nguyện học. Phật đạo vô thượng - thệ nguyện thành.

PHƯỚC HUỆ SONG TU

 


.Tinh tấn ngăn ngừa những điều ác chưa phát sinh. Tinh tấn dứt trừ những điều ác đã phát sinh. Tinh tấn phát triển những điều lành chưa phát sinh. Tinh tấn tiếp tục phát triển những điều lành đã phát sinh. "

Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

NHÂN QUẢ VÀ SỐ PHẬN CON NGƯỜI ( PHẦN CUỐI )


Mỗi người sinh ra có một hoàn cảnh, sự sống hoàn toàn khác biệt nhau. Do sự chiêu cảm nghiệp báo quá khứ nên đời sống hiện tại của chúng ta có sự bất đồng trên mọi phương diện, không ai giống ai. Ta thử đặt câu hỏi: Tại sao ta lại sinh ra trong nhà nghèo để chịu cảnh thiếu thốn, khó khăn mà không sinh vào nhà giàu để hưởng cảnh an nhàn phú quý? Tại sao mình đen xấu, bệnh tật mà không được đẹp đẽ như mọi người? Tại sao ta dốt nát quê mùa mà người kia lại thông minh, khôi ngô, tuấn tú? Chẳng lẽ thần linh thượng đế đã sắp đặt, an bài như thế sao? Tại sao sự đời lại trớ trêu như vậy?

Nhân quả công bằng

Có lần đang giữa trưa hè nóng bức, vua Ba-tư-nặc thân hành đến chỗ đức Phật, sau khi đảnh lễ xong, Ngài ngồi xuống một bên thưa rằng:

- Kính bạch đức Thế Tôn, có một người triệu phú thành Xá-vệ vừa mất đi không có con nối dòng, nên con đến để kiểm tra tài sản, số tiền lên đến hơn tám triệu tiền vàng được sung vào công quỹ; đó là chưa kể đến tiền bằng bạc và đất đai ruộng vườn. Thức ăn của vị triệu phú này chỉ có cháo tấm chua còn sót lại, đồ mặc chỉ vài ba bộ quần áo bằng vải gai bình thường, các đồ dùng trong nhà không có gì quý giá ngoài những chiếc xe cũ kỹ.

Nhà vua vừa nói, vừa thắc mắc, tại sao một vị triệu phú lại có cuộc sống quá giản đơn đến thế?

Đức Phật giải thích:

Thật đúng như vậy Đại Vương. Vị triệu phú cô độc này ở một kiếp nọ đã phát tâm cúng dường cho vị Bích Chi Phật thật nhiều món ngon vật lạ, sau đó khởi tâm hối tiếc, nói rằng: “Đúng ra thức ăn này ta nên đưa cho người làm công ăn”. Do kết quả của việc cúng dường rồi sinh tâm hối tiếc ấy, nên ông ta được bảy lần làm triệu phú, tài sản tiền của chứa đầy nhà, vẫn không ăn được món ngon vật lạ nào, không mặc được đồ tốt đẹp mà chỉ xài những đồ thô sơ không có giá trị. Ngoài ra, ông ta còn giết mạng sống con của anh mình để chiếm đoạt tài sản. Do nhân giết hại và cướp tài sản, vị này sau khi chết bị đọa vào ba đường dữ để chịu quả xấu trong vô lượng kiếp. Bởi hành động và việc làm như thế, tuy là một triệu phú trong bảy đời, cuối cùng không tích lũy thêm phước báo mới, cho nên hiện tiền chết bị đọa vào địa ngục. Nói xong đức Phật đọc bài kệ:

Tài sản vật sở hữu
Tất cả không đem theo
Khi nhắm mắt lìa đời
Chỉ mang nghiệp tốt xấu

Như bóng không rời hình
Do vậy hãy làm lành
Để dành cho đời sau
Sống an vui hạnh phúc.

Câu chuyện trên có thật trong đời đức Phật còn tại thế, cho ta nhiều bài học quý báo về nhân quả nghiệp báo. phật tử chúng ta cần chú ý tìm hiểu cho rõ ràng các chi tiết sau:

Một, bố thí cúng dường cho một vị Bích Chi Phật được đầy đủ phước báo, bảy đời sinh ra làm triệu phú.

Hai, do tâm tiếc rẻ nên bảy đời bị quả báo hà tiện, dù làm triệu phú nhưng vẫn không ăn được món ngon vật lạ.

Ba, do giết đứa con độc nhất của anh mình nên không có con kế thừa tài sản.

Bốn, giết người chiếm đoạt tài sản nên sau khi chết bị đọa địa ngục.

Năm, do không tích lũy thêm phước báo trong hiện đời nên gặp họa không thể lường.

Cúng dường cho người tu hành chân chính tại sao có phước báo lớn lao như vậy? Bởi vì người tu hành chân chính họ luôn làm điều “tốt đạo đẹp đời” tất cả vì lợi ích cho tha nhân, không vì quyền lợi riêng tư, cho nên người phát tâm cúng dường cho bậc giác ngộ, giải thoát được phước báo gắp trăm ngàn lần so với người phàm phu tục tử.

Còn bố thí cho người bình thường, một ngày sống của họ là một ngày tham lam, si mê, thù hận, nên giá trị phước báo có giới hạn. Nhưng không lẽ vì phước báo có giới hạn mà ta ngoảnh mặt làm ngơ đối với những mảnh đời bất hạnh, ta tìm kiếm đối tượng để cúng dường như vậy sẽ dẫn đến tâm không bình đẳng cúng dường, bố thí như vậy còn có tâm phân biệt ta người.

Trong kinh Tứ Thập Nhị chương, Phật dạy: “Bố thí cho một trăm người dữ ăn, không bằng bố thí cho một người hiền; bố thí cho một trăm người hiền, không bằng bố thí cho một người biết giữ năm giới; bố thí cho mười ngàn người biết giữ năm giới, không bằng bố thí cho một người đã chứng quả không thoái chuyển. Cúng dường cho trăm ức vị Bích Chi Phật, không bằng cúng dường cho một vị Phật hiện tiền”. 

Ở đây chúng ta thấy cúng dường cho người tu hành chân chính thì phước báo lại tăng lên gấp nhiều lần. Nhưng có kinh đức Phật lại dạy bố thí phải bình đẳng. Cũng là lời Phật dạy, tại sao có sự khác biệt với nhau như thế? Vậy kinh nào đúng, kinh nào sai? Đã là lời dạy của Phật thì chân lý không có đúng sai, đức Phật chỉ tùy bệnh cho thuốc, tùy theo trình độ căn cơ của từng người mà đức Phật hướng dẫn cách bố thí cúng dường cho phù hợp.

Người mới phát tâm học đạo, chưa hiểu nhiều về đạo Phật, Thế Tôn khuyên nhủ lánh xa bạn ác gần gũi bạn lành nên trong sự bố thí cúng dường cần có sự chọn lựa.

Sau khi hiểu và thông suốt lời Phật dạy, chúng ta sẽ tùy duyên bố thí và cúng dường không phân biệt thân sơ, ta, người. Sở dĩ trong kinh nói rõ ràng cúng dường như thế nào để được phước báo nhiều hay ít là cốt ở sự thành tâm. Đối với người chưa thấm nhuần đạo lý thì việc làm phước cần phải lựa chọn tùy theo sở thích của mình, không có ranh giới bắt buộc nhất định.

Bố thí hay giúp đỡ cho một phàm phu tuy vẫn có phước, nhưng phàm phu tục tử này không biết tu tập, sống trong tham lam, thù hận, si mê, một ngày sống của họ dính mắc vào chuyện trần tục quá nhiều, chính vì vậy người bố thí được hưởng phước trong hạn chế.

Ngược lại, cúng dường cho bậc Thánh đã giác ngộ, giải thoát phúc đức của các Ngài không gì có thể sánh bằng. Các Ngài luôn sống vì mọi người, tùy duyên giáo hóa giúp đỡ chúng sinh không biết mệt mỏi, nhàm chán, nên người cúng dường hưởng được phước báo không giới hạn.

Nói như vậy, để những người tu hành phải biết ý thức được bổn phận và trách nhiệm của mình khi nhận sự cấp dưỡng của đàn-na tín thí mà ráng cố gắng tu hành cho đến nơi tới chốn.

Tuy nhiên, ở đây chúng ta cần nhấn mạnh, không phải chỉ cúng dường cho người tu hành mà bỏ qua các đối tượng khác đang còn gặp nhiều khó khăn, bất hạnh. Người bố thí cúng dường vì tấm lòng từ bi rộng lớn, bình đẳng thương yêu mà giúp đỡ, an ủi sẻ chia tùy theo nhân duyên. Thấy người tu hành chân chính thì cung kính cúng dường, thấy người hoạn nạn thì giúp đỡ sẻ chia, bố thí cúng dường như vậy thì phước báo vô lượng, vô biên. Từ bi, thương yêu tất cả chúng sinh là pháp yếu của đạo Phật, sẵn sàng chia sẻ hay nâng đỡ khi có nhân duyên, điều kiện.

Dù chỉ một lần bố thí, cúng dường với tâm bình đẳng, với tấm lòng chí thành thấy người đáng kính ta cúng dường, thấy người đang gặp khó khăn hoạn nạn ta giúp đỡ, sẻ chia với trái tim yêu thương và hiểu biết bằng tình người trong cuộc sống.

Chỉ một lần cúng dường cho vị Bích Chi Phật mà bảy lần được hưởng phước làm triệu phú. Nhưng sau khi cúng dường xong lại khởi tâm hối tiếc, không muốn cho người đó thọ dụng đầy đủ nên phải chịu quả báo nhiều đời có của cải tài sản mà không được hưởng thụ. 

Chúng ta, ai cũng dễ thấy điều này, với một người có tâm keo kiệt bỏn sẻn, cho dù tiền bạc tài sản chất đầy kho, thà để hư mục chứ không dám đem ra giúp đỡ kẻ khốn cùng dù chỉ một bữa ăn.

Chính tâm tiếc rẻ của lão triệu phú cô độc kia đã biến thành tâm hà tiện, ích kỷ nên dẫn đến quả báo tuy giàu có nhiều của cải vật chất nhưng sự sống giống như người nghèo khổ, bất hạnh. Ở đây, chúng ta thấy luật nhân quả rất công bằng, gieo nhân tốt được hưởng quả tốt, gieo nhân xấu chịu quả xấu và cũng tùy theo tâm niệm của người gieo nhân mà cho ra kết quả tương ứng.
Chúng ta cần phải ý thức rõ ràng, đầy đủ khi thực hành bố thí, đừng nên bố thí rồi khởi tâm tiếc nuối, từ đó trong ta hình thành tâm bỏn sẻn, hà tiện, keo kiệt làm mất đi hạt giống từ bi. Tâm bỏn sẻn, hà tiện sẽ dẫn đến quả báo bị đọa làm quỷ đói lang thang vô số kiếp, chịu đói khát vật vờ .

Có người nói tâm hà tiện và tâm tiết kiệm giống nhau, chúng ta cần phải nhận định cho rõ chỗ này.

Tiết kiệm là biết tiêu xài đúng mức, không lãng phí xa hoa, xài đúng việc đúng chỗ. Còn bỏn sẻn, hà tiện là tâm không muốn chia sẻ cho ai, chỉ bo bo ôm giữ cho riêng mình. Cho nên tiết kiệm và hà tiện rất khác nhau. một bên là chi tiêu đúng mức, phù hợp, một bên là keo kiệt , bỏn sẻn thà để hư mục chớ không đem ra giúp đỡ cho ai. Hoặc là bố thí xong rồi lại khởi tâm tiếc rẻ, đó là nhân ích kỷ, tiếc của sẽ đưa đến quả đau khổ. Tiết kiệm và rộng lượng bao dung, sẵn sàng nâng đỡ mọi người là nhân dẫn đến an vui, hạnh phúc.

Là người phật tử chân chính, chúng ta phải biết khôn ngoan sáng suốt chọn lựa nhân lành để mình và người cùng sống yêu thương mà không làm tổn cho tha nhân. Nỗi mất mát, khổ đau nhất đối với người giàu có là không có con để kế thừa gia tài sự nghiệp, cho nên cả đời họ chỉ sống trong tham lam, ích kỷ.

Giết một người để cướp của nhất là người đó là đứa con duy nhất được kế thừa gia tài, sự nghiệp thì quả báo rất nặng nề đưa vị triệu phú kia nhiều kiếp phải bị đọa vào chốn khốn cùng.

Bởi vì nhân quả nghiệp báo rất công bằng, làm phước thì được an vui hạnh phúc, làm ác thì phải chịu quả báo khổ đau. Luật nhân quả rất công bằng không hề thiên vị một ai, khi hội đủ nhân duyên. Giết người thì mạng đền mạng, đó là luật pháp thế gian không thể chối cãi được, nhưng cũng tùy theo mức độ mà luật pháp có thể gia giảm.

Người có nhiều cống hiến và phục vụ vì lợi ích chung, nhưng vì không nhận thức đúng đắn, bị vật chất lôi cuốn, cám dỗ, nên từ nhận thức tốt đẹp, bị lòng tham muốn sai sử làm điều phi pháp. Đối với luật pháp thế gian hay luật nhân quả cũng vậy, có công thì được thưởng, có tội thì phải bị trừng phạt.

Như lão triệu phú kia phát tâm cúng dường cho vị Bích Chi Phật được hưởng phước báo người giàu có, nhưng sau khi cúng dường lại khởi tâm tiếc của, nên tuy là người giàu có đến bảy đời mà không hưởng được vinh hoa phú quý đích thực chỉ sống lam lũ và nhọc nhằn như một người nghèo khó mà thôi. Cái gì khiến ông ta phải như vậy? Đó là do sức mạnh của nghiệp lực chi phối.

Người ta thường nói, ăn thì hết cho thì còn có nghĩa là khi mình giúp đỡ ai đó mới chính là ta tích lũy phước báo, giống như người gửi tiền ngân hàng thấy dường như không có tiền nhưng khi cần xài thì rút ra. Lão triệu phú đó vì không tin sâu nhân quả nên hiện đời không gieo trồng thêm phước đức, cho nên sau khi chết phải bị đọa vào chỗ khốn cùng.

Nghiệp và số mệnh

Sự sống trên thế gian này với thiên hình vạn trạng, phức tạp, đa năng, đa dạng, muôn hình muôn vẻ, khi thế này lúc thế khác và vô cùng mầu nhiệm.

Mỗi người sinh ra có một hoàn cảnh, sự sống hoàn toàn khác biệt nhau. Do sự chiêu cảm nghiệp báo quá khứ nên đời sống hiện tại của chúng ta có sự bất đồng trên mọi phương diện, không ai giống ai. Ta thử đặt câu hỏi: Tại sao ta lại sinh ra trong nhà nghèo để chịu cảnh thiếu thốn, khó khăn mà không sinh vào nhà giàu để hưởng cảnh an nhàn phú quý? Tại sao mình đen xấu, bệnh tật mà không được đẹp đẽ như mọi người? Tại sao ta dốt nát quê mùa mà người kia lại thông minh, khôi ngô, tuấn tú? Chẳng lẽ thần linh thượng đế đã sắp đặt, an bài như thế sao? Tại sao sự đời lại trớ trêu như vậy?

Đạo Phật có cách nhìn chính chắn hơn nhờ biết suy tư và nghiệm xét, cho nên thấy rõ mọi sự thành bại, nên hư đều do mình tạo lấy không đổ thừa cho ai hết. Đức Phật là bậc giác ngộ, giải thoát hoàn toàn nên thấy chúng sinh luân hồi trong ba cõi sáu đường giống như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường.

Đạo Phật không phải là ngẫu nhiên luận rồi vô trách nhiệm đối với những hành vi của mình, hay cho rằng mọi chuyện rủi ro, may mắn, bất ngờ đều do bỗng dưng, khi không, tự nhiên mà có.

Khái niệm về số mệnh hay số phận là quan niệm của các trường phái triết học như thần ý luận, đa thần giáo, túc mệnh luận, định mệnh luận và thiên mệnh.

Thần ý luận cho rằng, có một đấng thượng đế quyền năng, có thể ban phước giáng họa, sắp đặt cuộc sống của con người, mọi sự khổ vui, nên hư, thành bại trong cuộc đời đều do đấng tối cao này sắp đặt.

Túc mệnh luận cho rằng, mỗi người sinh ra trong cõi đời này đều có số mệnh do quá khứ đã an bài và sắp đặt, mỗi cử chỉ, mỗi hành động đều do quyết định trước của quá khứ. Mọi cố gắng của con người đều vô ích.

Song, đạo Phật không chấp nhận như thế, cái gì cũng đổ thừa cho số mệnh đã định sẵn của đời trước mà không chịu làm mới lại chính mình, để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau, thành an vui hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại.

Thiên mệnh luận cho rằng, có một ông trời quy định cho mỗi cá nhân một số mệnh. Trời kêu ai nấy dạ, con người không thể cải lại lệnh trời, cho nên Khổng Tử khi làm việc gì thành công hay thất bại đều nói do trời là như vậy. Con người không có quyền tự chủ, phải sống lệ thuộc ông trời, mọi cố gắng của con người không ngoài ý trời, trời ban cho tất cả, trời kêu ai nấy dạ.

Do đó, số mệnh hay số phận đều dựa theo quan niệm từ xưa, nó chỉ phù hợp khi con người chưa văn minh, chưa tiến bộ. Ngày nay khoa học đã chứng minh cho ta thấy rõ nguyên nhân, không có cái gì chỉ một nhân mà có thể hình thành. Tất cả mọi hiện tượng sự vật trên thế gian này là một chuỗi dài nhân duyên, chúng liên hệ chằng chịt với nhau bằng nhiều móc xích, theo nguyên lý cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không. Ai nói trên đời này do một nhân mà hình thành thì ta biết rằng người này chưa hiểu thấu lý nhân quả.

Quan niệm trời sinh ra vạn vật cho đến ngày hôm nay không còn phù hợp nữa. Đạo Phật nói rằng tất cả chúng sinh có mặt trên thế gian này đều do nghiệp tạo ra, nên phải chịu quả báo trong đời hiện tại, chứ không có sự sắp đặt của đấng nào cả.

Vậy nghiệp là gì? Nghiệp là năng lực được tạo ra từ thân, miệng, ý được lặp đi, lặp lại nhiều lần rồi lâu ngày trở thành thói quen, chính thói quen đó có sức mạnh lôi cuốn lại chúng ta. Như khi ta mới tập hút thuốc, khi ấy ta làm chủ muốn hút thì hút, không hút thì thôi. Cho đến khi ta đã hút được vài tháng rồi khi nó đã ăn sâu vào tâm thức của ta, thấm nhuần vào cơ thể, lúc đó ta làm theo sự sai sử của nó cho nên gọi là nghiệp hay còn gọi là tập khí.

Có nhiều nghiệp đã được tạo ra trong quá khứ, cho nên ngày nay chúng ta sinh ra trong đời này có nét mặt, hoàn cảnh, sự sống không ai giống ai, rồi tùy theo sở thích của mỗi người trong hiện tại mà tạo ra nghiệp nhân mới.

Còn ai quan niệm rằng con người do trời định sẵn phải chịu số phận đã an bài, dù con người có cố gắng thay đổi cách mấy đi nữa cũng không thể thay đổi được. Nói như vậy là chúng ta phủ nhận quyền làm chủ bản thân của con người, trong khi đó chúng ta có đủ khả năng suy xét, quán chiếu nhận thức đúng sai và dùng trí tuệ để mà soi sáng muôn loài vật. Nếu chúng ta ai cũng chấp nhận số phận đã được định sẵn thì làm sao con người có thể thay đổi hoàn cảnh cuộc sống, mà càng ngày càng được thăng tiến tốt đẹp.

Ngược lại, đạo Phật nói rằng nghiệp do chúng ta tạo ra từ thân, miệng, ý thì chính mình có quyền thay đổi, chuyển hóa tuỳ theo khả năng sở thích của mỗi người. Như khi chưa biết tu tập, ta có thể trộm cướp lường gạt người khác bằng mọi mánh khóe thủ đoạn, nay ta biết tu tập rồi, thấy đó là hành động không tốt có hại cho mình và người nên dứt khoát không làm nữa. Trước do ta không hiểu nên ta làm ăn gian lận, lừa đảo, nay ta hiểu rõ về nhân quả nghiệp báo, thì ta làm ăn chân chính trở lại để tạo nên nghiệp thiện lành v.v… Như vậy nghiệp là do sở thích của mình huân tập mà thành, vì thế mình có quyền thay đổi, chớ không cam chịu đầu hang cho số phận đã an bài.

Vì thế, trong hiện tại ta cảm thọ khổ hay vui, lành hay dữ, ta có thể đoán biết nghiệp trước kia của ta đã tạo nên. Người có ý chí, nghị lực thì sẽ thay đổi, chuyển hóa nghiệp xấu một cách dễ dàng, còn người chấp nhận theo số phận đã an bài thì vô tình làm mất đi khả năng làm chủ chính mình để rồi ta mãi sống trong đau khổ lầm mê không có ngày thôi dứt.

Nghiệp khác với số mệnh ở chỗ nghiệp có thể thay đổi được, còn số mệnh thì không thể. Nghiệp nói cho đầy đủ là nhân quả nghiệp báo. Nói đến nghiệp báo là nói đến nhân duyên, là nói đến sự chuyển biến linh động của nhân quả, còn nếu cho rằng số trời đã định, gieo nhân nào phải trả quả đó, thì không ai có thể tu hành mà chuyển hóa si mê, tối tăm mờ mịt, thành trí tuệ từ bi.

Trong kinh A-hàm Phật dạy: “Người gây nhân xấu ác, trước hoặc sau họ biết tu thân, tu giới, tu tâm. Tùy theo khả năng tu tập nhiều hay ít mà quả sẽ thay đổi”. Nếu nói gây nhân nào phải chịu quả nấy, thì vô tình ta chịu chết chìm trong si mê, tội lỗi nói như vậy có đúng như lời Phật dạy hay không?

Nói nhân nào quả nấy thật không sai đối với những người chịu chấp nhận buông trôi theo số phận, mặc tình chạy theo dòng đời ai làm sao ta làm vậy, ai làm bậy ta làm theo chẳng cần suy nghĩ, nhận định đúng sai là gì. Người yếu đuối, bạc nhược, thấp hèn thiếu ý chí sẽ chấp nhận cuộc đời như bèo dạt mây trôi, nhân như thế nào thì quả như thế ấy “nhân nào quả nấy” hay “ gieo gió gặt bão”.

Vấn đề nhân quả nghiệp báo nếu chỉ nhìn thoáng qua ai cũng biết rằng, tạo nhân xấu thì sẽ gặp quả dữ, làm việc thiện lành thì sẽ hưởng quả tốt đẹp. Mới nghe qua ta thấy rất đơn giản, nhưng suy nghiệm lại sự diễn biến của nhân quả rất đa dạng và phức tạp. Khi chúng ta chịu khó tu hành, thường xuyên suy tư quán chiếu thì mới có thể thấu rõ được nhân quả ba thời, quá khứ hiện tại vị lai, từ khi tạo nhân cho đến lúc thành quả cần phải có thêm các yếu tố phụ của duyên thì mới cho ra kết quả.

Trong kinh có câu chuyện Phật dạy như sau:

Một gia đình nọ có nuôi một đàn dê. Một hôm, có một người thường dân nghèo đến trộm dê, gia chủ bắt được đánh đập rồi đem ra quan huyện tri tố bỏ tù.

Lần sau, kẻ trộm dê là người của quan lớn, gia chủ bắt được chỉ tức tối bực bội la mắng chửi rủa vài câu rồi thôi, chớ không dám đối xử nặng nề như người thường dân trước. 

Lần khác, gia chủ bắt được kẻ trộm dê là lính của nhà vua, gia chủ không dám tức tối, mà còn van xin, năn nỉ người ấy đừng đến bắt dê của mình nữa, nếu có bắt thì bắt con nhỏ thôi.

Trong ba trường hợp trên, người ăn trộm là thường dân bị đánh đập khổ sở và bị bắt bỏ tù thì đổ thừa tại trời. Trời hại tôi rồi. Trời nào làm thế! Chỉ do chúng ta tạo nghiệp xấu ác nên mới phải chịu quả báo khổ đau, làm gì có ai trừng phạt ta bao giờ. Hạng người này ta gọi là nhân nào quả nấy không sai. Hạng người thứ hai tuy cũng ăn trộm nhưng là người của quan, Phật dụ người này có gieo chút ít phước lành nên chỉ bị chửi mắng thôi. Hạng người thứ ba thân tín với nhà vua tuy có ăn trộm Phật dụ cho người biết tu thân, tu giới, tu tâm cho nên không bị gì mà chủ dê còn năn nỉ nữa.

Để làm sáng tỏ tiến trình diễn biến của nhân quả, chúng tôi xin dẫn một đoạn đối đáp trong kinh A-hàm.

Có một vị Bà-la-môn đến hỏi vị đệ tử của Phật:

- Thưa Tôn giả, Sa-môn Cù-đàm dạy người tu mười điều thiện lành, sau khi chết được lên thiên đàng phải không?

Vị đệ tử Phật trả lời:

- Vâng! Đúng vậy, Thế Tôn chúng tôi đã dạy như thế. Mười điều thiện lành đó là:

1. Không giết hại, không trực tiếp giết, không xúi bảo người giết, không hoan hỷ khi thấy người giết, lại hay khởi lòng thương tưởng đến con người và muôn loài. Không những không giết hại mà còn khởi tâm phóng sinh, giúp các loài vật thoát được cái chết trong gang tấc.

2. Không gian tham trộm cướp mà còn bố thí cúng dường, giúp đỡ, chia sẻ.

3. Không tà dâm gian díu với người khác khi đã có vợ, có chồng mà còn khuyên nhủ mọi người hãy sống có tiết hạnh chung thủy để bảo hạnh phúc lứa đôi.

4. Không nói dối để lường gạt người mà hay nói lời sự thật, đúng chân lý

 5. Không nói lời đòn xóc hai đầu làm mất đoàn kết hiểu lầm nhau, sinh ra ân oán thù hằn, mà hãy nói lời an ủi, sẻ chia trên tinh thần đoàn kết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau.

6. Không nói lời mê hoặc để dụ dỗ người, lại hay nói lời hòa nhã vui vẻ, tạo sự gắn bó gần gũi, yêu thương nhau.

7. Không nói lời ác độc, mắng chửi làm người khổ đau.

8. Bớt tham lam, ích kỷ, ty tiện, lại hay che chở bao dung, độ lượng, tha thứ.

9. Bớt nóng giận, phẫn nộ để tạo sự thân thiện cho nhau, lại hay khởi tâm từ bi rộng lượng, thấy ai cũng là người thân thương nên dễ gần gũi và giúp đỡ lẫn nhau.

10. Bớt si mê, bởi đây là nguyên nhân chính dẫn đến cội nguồn tội lỗi. Do si mê, chấp trước, bám víu vào xác thân này nên thấy ta là trùm thiên hạ, ỷ tài, cậy sức làm tổn hại cho nhau, từ đó, thế giới này luôn xảy ra chiến tranh, giết chóc, tàn phá lẫn nhau.

Trả lời xong nhưng vị đệ tử Phật vẫn áy náy, không yên tâm, vì không biết lời giải đáp của mình có đúng không, nên vội vàng về gặp đức Phật thưa hỏi:

- Bạch đức Thế Tôn, con trả lời khẳng định như thế có đúng không?

Đức Phật bảo:

- Cũng đúng, cũng sai.

Ở đây chúng ta cần tìm hiểu xem đúng và sai chỗ nào?

Phật pháp không nhất thiết phải cố định, mà tùy thời, tùy duyên, tùy theo hoàn cảnh mà linh động, uyển chuyển. Người tu hạnh thập thiện sau khi mạng chung được sinh về các cõi trời, đó là nhân nào quả nấy không sai. Ta gieo trồng được nhân tốt, tất nhiên ta được quả tốt. Điều đó không ai có thể chối cãi, phủ nhận được. Nhưng nhân quả nghiệp báo rất đa dạng và phức tạp, không thể theo một chiều mà xác định được rõ ràng, chính xác.

Người chấp nhận sống theo quan điểm có số phận đã an bài thì không có gì phải bàn cãi, nhưng đối với vấn đề nghiệp báo thì không phải là một tiến trình cố định. Bởi vì nghiệp được hình thành từ thói quen được lặp đi, lặp lại nhiều lần từ thân, miệng, ý của mình, chính vì vậy chúng ta có thể thay đổi nghiệp được.

Khi xưa chưa biết tu, ý luôn khởi tham lam, mong muốn đủ thứ hết thân lại luôn làm những điều xằng bậy, làm tổn hại cho người và vật chỉ biết lợi mình mà thôi, ai ra sao mặc kệ. Nay ta biết tu rồi, ý luôn nghĩ những gì tốt đẹp và thánh thiện, không còn tham lam quá độ, khiến thân luôn làm những điều phước thiện, giúp người cứu vật. Trước kia, miệng luôn nói lời ác độc gây ra ân oán hận thù làm tổn thương đến người khác, nay biết tu rồi, miệng luôn nói lời chân thật, thiện cảm, vui vẻ, hòa nhã, thương yêu.

Người sống theo quan điểm có ông trời tạo ra đành phó thác và chấp nhận số phận của mình thì không thể thay đổi được hoàn cảnh, còn người tin sâu nhân quả thì tùy theo khả năng tu tập của mình mà nhân quả được thay đổi theo chiều hướng tích cực, làm cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

Vị đệ tử Phật sau khi nghe Thế Tôn nói như thế, liền bàng hoàng sửng sốt, giật mình hoảng sợ liền hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thế Tôn đã từng dạy tu hạnh thập thiện, chết được sinh lên cõi trời để hưởng phước, còn người tạo ác sau khi chết bị đọa vào ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Tại sao bây giờ Thế Tôn lại nói vậy?

Đức Phật từ tốn phân tích cho vị đệ tử:

- Tu thập thiện là nhân sinh lên cõi trời là không sai, nhưng gần tới giờ phút lâm chung, người đó gặp chuyện không được như ý, tâm nổi sân hận, tức tối, giận dữ, thế là tạo nghiệp bất thiện từ ý thức lúc gần chết thì người ấy không đủ phước sinh lên cõi trời. Ông khẳng định như thế, vô tình cho ta nói dối hay sao? Nếu người đó trong quá khứ tạo quá nhiều nghiệp xấu ác, nhưng hiện tại mới tu thiện một thời gian ngắn, nghiệp ác quá khứ quá nhiều, nên khi chết không được sinh lên cõi trời. Như vậy, ông vô tình hướng dẫn sai lời ta dạy. Vậy không phải phỉ báng ta là gì?

Ngược lại, người gây tạo mười điều ác là nhân dẫn đến đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, nhưng lúc gần chết, người ấy gặp được chính pháp, biết thức tỉnh hồi đầu, nghiệp thiện từ tâm của họ quá mạnh, nên nghiệp ác không đủ sức dẫn họ vào chỗ xấu, thế là họ tái sinh vào cõi lành.

Trường hợp khác, người mới tạo nghiệp ác năm ba năm, nhưng trong quá khứ họ đã tạo nghiệp lành quá lớn, nên nghiệp ác không đủ sức dẫn họ vào chỗ xấu, họ cũng được sinh vào cõi lành. Ông khẳng định người tạo mười điều ác bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh cũng đâu có đúng. Khẳng định như vậy chẳng phải phỉ báng lời dạy của ta là gì? Bởi người tạo mười điều ác thì có tội, nhưng tội đó nặng hay nhẹ còn tùy theo tâm người ấy ác ý hay không ác ý khi họ làm các điều ác đó.

Tóm lại, sau khi lâm chung được sinh lên cõi trời hay bị đọa lạc vào ba đường ác còn tùy thuộc vào tích lũy nghiệp và cận tử nghiệp của người đó mạnh hay yếu đối với nghiệp ác hay lành. Do đó, trong đạo Phật không có gì là cố định cả. Nếu ai nói điều gì có tính cách khẳng định thì ta biết người này chưa hiểu thấu lý nhân quả nghiệp báo.

Những lời khẳng định trong đạo Phật chỉ mang tính chất răn nhắc và khích lệ để mọi người tu theo Phật cố gắng không làm những điều xấu ác mà thôi. Người phật tử chân chính sẽ thấy nghiệp báo có thể thay đổi tùy theo năng lực tu tập của mỗi người. Hiểu thấu đáo giáo lý nhân quả thực hành đúng lời Phật dạy, chúng ta có thể làm mới lại chính mình, thay đổi hoàn cảnh, không phó thác cuộc sống cho số phận đã an bài, mà bằng sự nỗ lực tự thân chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc, chuyển mê thành ngộ để sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Thích Đạt Ma Phổ Giác

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét