Những cỗ bàn cơm chay trong mùa Vu Lan ở chùa
Cứ mỗi năm, vào dịp rằm tháng 7 hay còn gọi là lễ Vu lan, người ta thường ăn chay như một cách nhớ ơn và báo đáp công lao sinh thành dưỡng dục của mẹ cha, thành tâm hướng về tổ tiên.
Theo quan niệm đạo Phật về kiếp luân hồi, trong lễ Vu lan người ta không ăn thịt cá và không sát hại chúng sinh. Đó là một hình thức từ bi đem tâm đức báo hiếu cha mẹ, người thân. Nếu như trước đây, nhiều người quan niệm ăn chay vào lễ vu lan chỉ dành cho những người theo tín ngưỡng, tôn giáo thì ngày nay ăn chay đã trở thành một xu hướng để giữ gìn sức khỏe, thu hút nhiều người không kể tầng lớp tuổi tác.
Trong tháng Vu Lan, có người đến chùa, người tìm tới các quán chay, cũng có người tự nấu tại nhà một mâm cơm cúng chay thanh tịnh để cúng giỗ ông bà, tổ tiên. Ăn chay được coi là một phương pháp phòng chống bệnh tật, giữ gìn vóc dáng, kéo dài tuổi thọ để tâm hồn thanh tịnh bình an nên ngày nay có rất nhiều người chọn cho mình cách ăn chay trường.
Ai đã từng thưởng thức bữa cơm đạm bạc trong chùa với đậu phụ, rau dưa, tương bần, sản vật thảo mộc được trồng ngay trong vườn chùa chắc chẳn sẽ không thể quên được cảm giác của không gian thanh tịnh, tránh xa những bụi bặm ồn ào đời thường. Những món ăn chay được trình bày công phu đẹp mắt, hương vị thanh tao không hề giống với bất cứ món ăn trần tục nào mặc dù cũng được gọi với những cái tên tương tự. Ăn chay không chỉ tốt cho sức khỏe, còn thể hiện ý nghĩa về tâm linh. Trong ngày lễ vu lan, sau bữa cơm chay nhiều người còn nán lại nơi không gian u tịch của cảnh chùa để được nghe thuyết giảng về đạo lý ở đời, lòng thấy nhẹ nhõm, thênh thang...
.
SƯU TẦM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét