Phật giáo đã bắt rễ dễ dàng trên mảnh đất Việt Nam. Những người nông dân Việt Nam đang đau khổ và khát vọng sự giải thoát, đã tiếp nhận Phật giáo một cách tự nhiên. Các nhà sư Ấn Độ và Trung Á đã đến Việt Nam vào khoảng đầu công nguyên. Giao Châu - Việt Nam thời đó - đã là nơi dừng chân của nhiều khách thương Ấn Độ cũng như các Tăng sĩ Ấn Độ. Thương gia Ấn Độ thường phải ở lại đây cho đến năm sau, chờ gió mùa đông bắc để trở về Ấn Độ. Còn một số nhà sư Ấn Độ có thể ở lại lâu hơn. Cũng từ đây, một số thành tựu văn hóa vật chất, ngôn ngữ và tinh thần Ấn Độ được người Việt tiếp thu, trong đó có Phật giáo. Sự tiếp nhận này dường như không gây ra sự thay đổi nào đột ngột trong đời sống tinh thần của người Việt. Họ thờ cúng Chư Phật cũng như đã thờ cúng các vị thần vốn có của họ.
Trung tâm Phật giáo cổ nhất ỏ Việt Nam là Luy Lâu, cách Hà Nội khoảng 30 km về phía Bắc. Ở đây có bốn ngôi chùa được dựng từ thời các nhà sư Ấn Độ đầu tiên đến đây, có tên là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, tức Mây, Mưa, Sấm, chớp. Bốn ngôi chùa này đồng thời thờ bốn vị nữ thần là Bà Dâu, Bà Đậu, Bà Đàn, Bà Tướng. Rõ ràng đó là các nữ thần nông nghiệp. Cho đến ngày nay, người ta vẫn còn thờ các loại nữ thần đó trong các chùa này. Như vậy là ngay trong bước du nhập đầu tiên, Phật giáo đã được những người nông dân trồng lúa Việt Nam dung hòa với các tín ngưỡng cổ truyền của họ.
Từ thế kỷ hai trở đi. Phật giáo Giao Châu đã có những bước phát triển đáng kể. Tăng đoàn đã khá đông. Nhiều chùa tháp được dựng. Các nhà sư Ấn Độ và Trung Á đã bắt đầu tổ chức việc dịch kinh ở Luy Lâu. Ngoài nhiều bộ kinh đã được dịch, đã xuất hiện những quyển sách bàn luận về Phật giáo. Những trung tâm dịch kinh và nghiên cứu Phật giáo đồng thời cũng là những trung tâm giáo dục. Những thế hệ Tăng sĩ người Việt dần dần được hình thành.
Khi đã thấm sâu vào tín ngưỡng của nhân dân, Phật giáo đã có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt. Các ngôi chùa lại trở thành các trung tâm văn hóa giáo dục trong các làng xã. Chùa không phải chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là nhà trường. Các em bé đến chùa không phải chỉ để sau này trở thành các Tăng sĩ mà là để học chữ. Chư Tăng không những làm việc tôn giáo mà còn là thầy học hoặc thầy thuốc ở nông thôn. Chư Tăng là người hiểu biết trong xóm làng, làm cố vấn cho nông thôn trong nhiều công việc và được nông dân kính trọng. Chính vì vậy, rất tự nhiên, trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, Phật giáo đã đúng vào phía những người yêu nước. Nhiều Tăng sĩ trong hoạt động tôn giáo của mình, đã nhen nhóm một tinh thần tự chủ. Và có những tín đồ Phật giáo đã trực tiếp cầm đầu nhân dân đứng lên làm cuộc chiến tranh giải phóng.
Nhiều nhà vua tin sùng Phật giáo, sau khi truyền ngôi cho con, đã xuất gia tu hành. Phần lớn quan lại quý tộc là tín đồ Phật giáo.
Chùa tháp mọc lên khắp nơi trong nước. Ngày nay, ở những tỉnh miền núi của Việt Nam như Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên, các nhà khảo cổ học đã tìm được di tích những ngôi chùa cổ trong thời kỳ này. Điều đó có nghĩa là bấy giờ Phật giáo đã thâm nhập vào các dân tộc thiểu số trên đất Việt Nam. Phật giáo đã thấm sâu vào các làng xã. Người Việt Nam chúng ta có câu: "Đất vua, chùa làng".
Có thể nói rằng văn hóa Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV vừa mang tính chất dân tộc vừa mang tính chất Phật giáo.
Phật giáo thời kỳ này mang một màu sắc nhập thế rõ ràng, hay nói cho đúng hơn, có nhiều chiều hướng phục vụ quốc gia dân tộc.
Vả lại, các nhà sư thời kỳ này đều thuộc các phái Thiền.
Sự hưng thịnh của Phật giáo trong các thế kỷ X-XIV ở Việt Nam đã kéo theo sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và hội hoạ. Nhiều chùa tháp đã mọc lên ở các kinh đô Hoa Lư, Thăng Long (Hà Nội ngày nay) cũng như ở nhiều nơi khác trong nước. Đáng tiếc là phần lớn các kiến trúc này nay không còn nữa, do thời gian và do chiến tranh.
Từ giữa các thế kỷ XIV, Nho giáo bắt đầu lớn mạnh và Phật giáo bị chèn ép. Nhưng từ giữa thế kỷ XVI, Phật giáo Việt Nam bắt đầu phục hồi và hưng khởi lại. Thời kỳ phát triển này đạt đến đỉnh cao của Phật giáo vào thế kỷ XVIII. Phật giáo hưng khởi trở lại, kiến trúc và nghệ thuật tạo hình Phật giáo cũng theo đó mà phát triển. Nhiều ngôi chùa lớn ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam ngày nay là được xây dựng trong thời kỳ này. Tượng Phật thời kỳ này trở lên đa dạng. Đặc biệt là xuất hiện nhiều tượng Tuyết Sơn và tượng Quan Âm (Avalokitesvara) đẹp. Nổi tiếng nhất là tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, tạc năm 1656, ở chùa Bút Tháp (tỉnh Hà Bắc). Bên cạnh tượng Phật là tượng La-hán (Arhat) mà đặc sắc nhất là loạt tượng La-hán ở chùa Tây Phương (Hà Nội), cuối thế kỷ XVIII.
Nguyễn Du, một tên tuổi chói sáng trong lịch sử văn học Việt Nam, thì lại tỏ ra có một căn bản vũng chắc về thiền học, khi ông viết:
"Tôi đã học kinh Kim Cang hơn nghìn lần,Trong đó có nhiều điều sâu sắc tôi chưa hiểu được . Nhưng đến khi đứng trước đài đá chia kinh nà, mới biết kinh không có chữ là kinh chân chính."
Nay nhìn lại sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam, chúng ta không thể không chú đến sự đóng góp của đạo Phật. Đạo Phật đã có mặt trên đất nước này gần 2000 năm. Vai trò Phật giáo đã đóng góp trong việc xây dựng nền văn hóa Quốc gia Việt Nam không phải luôn luôn giống nhau ngang qua lịch sử.
Nay nhìn lại sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam, chúng ta không thể không chú đến sự đóng góp của đạo Phật. Đạo Phật đã có mặt trên đất nước này gần 2000 năm. Vai trò Phật giáo đã đóng góp trong việc xây dựng nền văn hóa Quốc gia Việt Nam không phải luôn luôn giống nhau ngang qua lịch sử.
Nhân dân Việt Nam tiếp thu từ Đạo Phật những gì thích hợp với tâm tư trí óc của mình, như thế trí tuệ và từ bi, tình thương đén mọi loài hữu tình, sự cương quyết cố gắng làm điều thiện, điều lành, sự giải thoát tâm hồn, và sự mong muốn hòa bình và hạnh phúc cho mọi gia đình.
Do những đức tánh như vậy Đạo Phật đã tồn tại hài hòa tốt đẹp với tâm tư và văn hóa Việt Nam trải qua 2000 năm.
SƯU TẦM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét